3G để làm gì ?


Tại lễ trao giấy phép 3G vào giữa tháng 8 vừa qua, Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân - TGĐ Viettel đã phát biểu với đại ý rằng giấy phép 3G là điều kiện quan trọng để các mạng di động phát triển, nhưng nếu không tỉnh táo, nó sẽ là "cái bẫy" hết sức nguy hiểm cho DN trong quá trình đầu tư và kinh doanh !

Theo cam kết trong hồ sơ thi tuyển, các mạng di động được cấp phép sẽ đầu tư tối thiểu là 33.822 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) cho việc triển khai 3G trong vòng 3 năm đầu tiên. Ngoài ra, các mạng cũng phải đặt cọc cho Bộ TT-TT để triển khai dịch vụ này (trong 15 năm), với tổng số tiền 8.100 tỷ đồng (riêng Viettel đã đặt cọc 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần số tiền đặt cọc của VinaPhone và MobiFone). Như vậy với suất đầu tư rất lớn, nếu các mạng di động triển khai và kinh doanh không hiệu quả, thì đó thực sự là "cái bẫy" có thể làm suy yếu về nguồn lực tài chính của bất kỳ mạng nào ! Tuy nhiên một điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy, hiện VN đang dùng công nghệ 2G và 2,5G, việc tiến lên 3G là tất yếu: đó là xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, mà bất kỳ mạng di động nào cũng không thể không theo.
Có một điều cần lưu ý rằng: Mặc dù có những đánh giá rất lạc quan, nhưng các Cty nghiên cứu thị trường cũng chỉ đưa ra con số 5 triệu thuê bao 3G ở VN vào cuối năm 2010, nếu các mạng thực hiện đúng cam kết cung ứng dịch vụ này. Sở dĩ có điều đó là vì theo các nghiên cứu thị trường khác nhau, thông thường chỉ có 5-7% người sử dụng điện thoại di động có nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G. Tuy nhiên con số này lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và mức độ chi tiêu của người dân. Ngoài ra, đa phần người sử dụng di động hiện nay, việc nghe - gọi, nhắn tin là chủ yếu. Thêm nữa có thể để nghe nhạc, trò chơi giải trí; cao hơn là để đọc thư điện tử hoặc xem báo trực tuyến. Đó đều là những dịch vụ hiện chạy trên nền 2G và với đa số người dân như vậy là đủ. Vậy các mạng di động tập trung đầu tư cho 3G để làm gì ? Lãnh đạo các mạng đều khẳng định: Làm 3G để giải bài toán quá tải trên mạng 2G ! Nghĩa là hiện nay băng tần và dung lượng mạng 2G đã quá "chật chội", nếu phát triển 3G, dung lượng mạng lưới sẽ lớn hơn rất nhiều, trong trường hợp 2G quá tải, thì các mạng sẽ "chia luồng" để các dịch vụ 2G được chạy trên nền 3G... Như vậy, khi chưa có các dịch vụ 3G giá rẻ và hấp dẫn người dùng, thì 3G chính là "chìa khóa" để các mạng di động giảm thiểu việc quá tải, nghẽn mạng, rớt sóng như hiện nay. Nói cách khác, những dịch vụ truyền thống hiện nay sẽ được cung ứng tốt hơn khi có 3G. Đó chính là điều mà các mạng di động không "nói ra" nhưng đều đang nhắm tới.
Thái Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét