Phát triển công nghệ cao:Dò dẫm đến bao giờ ?
(HNM) - Theo đánh giá của các nhà khoa học, cơ cấu nguồn nhân lực khoa học, công nghệ (KHCN) của nước ta, trong đó có công nghệ cao (CNC) còn nhiều bất hợp lý. Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà chỉ làm chủ được một vài công đoạn hay yếu tố CNC nào đó mang tính chuyên ngành...
51% doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu
Hiện Việt Nam xác định một số mũi nhọn CNC gồm: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới... Tuy nhiên, qua khảo sát 630 doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì có đến 51% DN có trình độ công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, tỉ lệ xuất khẩu hàng CNC của Việt Nam chỉ chiếm 7% tổng lượng hàng xuất khẩu, trong khi con số này của Thái Lan là 30%, Trung Quốc là 27%, Xin-ga-po 57%. Trong các nước ASEAN, nhóm ngành CNC của Việt Nam chỉ chiếm 21% tổng sản phẩm sản xuất, con số này của Thái Lan gấp chúng ta 1,5 lần; Ma-lai-xi-a gấp 2,5 lần, Xin-ga-po gấp 3,5 lần. Xếp hạng năng lực công nghệ, Việt Nam đứng gần cuối bảng trong khu vực châu Á, thua Thái Lan 49 bậc, Ma-lai-xi-a 65 bậc và Xin-ga-po 81 bậc... Rõ ràng, con đường tiếp cận và phát triển CNC ở nước ta còn rất gian nan.
Không khó để thấy rằng, chỉ có con đường đầu tư lâu dài cho KHCN thì một ngành hay một DN mới có thể tạo ra sản phẩm CNC. Điển hình cho câu chuyện này là mô hình phát triển của Xí nghiệp Cơ khí (XNCK) Quang Trung (Ninh Bình). Đây là DN hàng đầu cả nước về chuyên ngành chế tạo thiết bị nâng hạ và hiện đang làm chủ công nghệ chế tạo cổng trục có sức nâng 450 tấn cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phục vụ đóng tàu có tải trọng lớn.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc XNCK Quang Trung cho biết: Với phương châm KHCN là then chốt, ngay từ năm 1992, xí nghiệp đã tập trung nghiên cứu công nghệ và đến nay đã trực tiếp nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ... Riêng giai đoạn 2007-2009, XNCK Quang Trung đã tập trung mạnh vào nghiên cứu đúc chân vịt tàu biển 6.000-7.000 tấn, cần cẩu bánh xích 100 tấn, cẩu chân đế 180 tấn mà khi hoàn thành sẽ rất hữu ích cho nền kinh tế cũng như phục vụ nhu cầu của nền an ninh, quốc phòng...
Đâu là "chìa khóa" thành công?
Mô hình chung dễ nhận thấy đối với các DN thành công trong phát triển sản phẩm CNC là họ đặc biệt chú trọng thành lập các trung tâm nghiên cứu (TTNC) như một bộ phận không thể tách rời của DN. Ví dụ: Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng đã xây dựng TTNC rộng 800m2 để những người giỏi nhất thay phiên nhau làm việc tại đây nhằm nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hay như Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) là DN "đi sau" về viễn thông tại Việt Nam nhưng rất thành công trong mấy năm gần đây cũng tích cực lập TTNC và phát triển với mục tiêu nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm các dịch vụ và công nghệ mới. Viettel cũng sẽ dành khoảng 2% doanh thu cho nghiên cứu, phát triển công nghệ...
Những DN trên đây hẳn phải thấm thía với bài toán nếu không cạnh tranh bằng trí tuệ, công nghệ thì sẽ nhanh chóng thất bại trên thị trường, nên mới "đi" bằng cách mà tất cả các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới đều trải qua. Cách làm như vậy đã rõ và lúc này đòi hỏi những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là sớm đưa Luật CNC vào cuộc sống.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, để DN Việt Nam tiếp cận được CNC, Nhà nước cần ban hành và cụ thể hóa các chính sách về CNC. Ví dụ: bỏ việc đăng ký và cấp "Giấy phép tự động" cho hàng tiêu dùng của Bộ Công thương, đặc biệt với hàng CNC là các thiết bị viễn thông thế hệ mới... do tính hiệu lực không cao của loại giấy phép này, gây thiệt hại cho DN vì chi phí lưu kho bãi, chậm đưa hàng vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nhà nước cần dành ngân sách và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho các nhiệm vụ, dự án về CNC, nhập khẩu CNC có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KHCN kiêm Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết: Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ nghị định hướng dẫn thi hành Luật CNC, kèm theo đó là một loạt các nghị định về tài chính, đầu tư mạo hiểm, quỹ phát triển KHCN, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn mác... Sắp tới, việc hình thành các viện nghiên cứu trong khu CNC sẽ tạo thêm nhiều ưu đãi hỗ trợ phát triển các DN CNC.
Doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự phát triển bền vững nếu đầu tư cho KHCN. Nhưng sự thực, điều này vẫn khá xa lạ đối với cộng đồng DN Việt Nam.
ĐAN NHIỄM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét