“Cuộc chiến” giữa các “ông lớn”


Về các miền quê ở tỉnh Hà Nam hiện nay, sẽ thấy hình ảnh nhiều nông dân đi làm đồng mang theo cái máy điện thoại cố định không dây trong giỏ xe đạp hoặc “vứt” bên bờ ruộng.


“Dùng máy cố định không dây rẻ hơn dùng di động, sóng lại khỏe nên tôi cứ ra đồng là mang theo cái GPhone (tên loại điện thoại cố định không dây của VNPT), có khi đạp xa nhà hơn chục kilômét mà vẫn “kết nối” được với ở nhà” - ông Lê Văn Tề, 60 tuổi ở thôn Tả Hà (Phủ Lý, Hà Nam) kể.
Có lần ông vác GPhone không dây lóc cóc đạp xe khắp làng trên xóm dưới, thi thoảng lại dừng lại làm một cú phôn hỏi tìm con trâu lạc. Những hình ảnh và câu chuyện ngộ nghĩnh tương tự cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều theo tốc độ “phủ máy” GPhone từ ngoại thành Hà Nội tới các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn...
Chương trình “GPhone chung sức giảm nghèo” của VNPT Hà Nội đã tặng hàng chục ngàn máy GPhone miễn phí cho người dân của 33 xã nghèo thuộc 7 huyện nghèo của Hà Nội (Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức). Sở dĩ người dân nồng nhiệt đón nhận GPhone là vì được miễn phí và GPhone cũng có mức cước rất rẻ so với cước di động. Hơn nữa, GPhone sử dụng sóng di động nên bất kỳ địa phương nào có phủ sóng của VinaPhone đều có thể sử dụng được mà không cần kéo cáp.
Có lẽ chưa bao giờ các làng quê lại chứng kiến cuộc đổ bộ của các “ông lớn” viễn thông như hiện nay. Hình ảnh thường thấy là một hộ gia đình mà có tới mấy đầu máy lắp mới. EVN Telecom (dịch vụ E-com) vừa có một chiến dịch tặng máy, khuyến mại ngày dùng xong thì Viettel (dịch vụ HomPhone) cũng đưa máy đến tận nhà cho người dân với các gói cước hấp dẫn. Khi GPhone về làng, người dân đã đổ xô dùng GPhone vì giá cước và thuê bao mới có phần rẻ hơn. Cứ thế, vòng quay liên tục diễn ra ở nhiều địa bàn nông thôn.
Mạng nào có khuyến mãi, miễn phí thì người dân lại đổ xô đi đăng ký sử dụng dịch vụ đó... Tuy nhiên, chính vì sự miễn phí, khuyến mại lớn đối với dịch vụ này, nên cả Viettel, VNPT và EVN Telecom đều không thể “quản lý” được hết những điện thoại cố định không dây của mình ở vùng nông thôn.
Nhiều gia đình cứ dùng hết tiền khuyến mãi, miễn phí là quay sang dùng dịch vụ của mạng khác. Hoặc vứt xó cái điện thoại miễn phí đó mà không hề bận tâm. Đây chính là điều khiến các nhà mạng đang “đau đầu” nhất hiện nay, bởi đó là một sự phát triển ảo, quá lãng phí. Không phải ngẫu nhiên mà cả Viettel và VNPT thời gian qua đều tuyên bố sẽ rà soát lại việc phát triển dịch vụ HomPhone và GPhone của mình.
Cơ hội cho người nghèo, nhưng...
Theo ông Cao Đức Đồng, Giám đốc Viễn thông tỉnh Hà Nam, dù Hà Nam là một tỉnh thuần nông nghèo nhưng trong số 850.000 dân thì hiện đã có tới hơn 100.000 thuê bao cố định. Cũng chỉ mới triển khai chương trình nhưng hiện đã có tới 30.000 hộ dân được lắp GPhone của VNPT chưa kể các hãng khác.
Ông Đồng nhận định, cuộc cạnh tranh giữa GPhone và loại tương tự của Viettel đã đến hồi quyết liệt. “Gần như ở địa bàn nào chúng tôi tới triển khai lắp đặt GPhone thì cũng dễ gặp các loại máy của Viettel có mặt với các điều khoản dịch vụ tương tự”.
Do vậy, để tránh tình trạng người dân được lắp đặt GPhone xong, hết thời gian khuyến mại là lại bỏ máy, VNPT Hà Nam đã phải áp dụng biện pháp khoán quản lý doanh thu tới đội ngũ nhân viên triển khai chứ không đánh giá theo số lượng máy lắp đặt được. Qua theo dõi, nếu thấy các hộ được lắp đặt GPhone mà không phát sinh cước trong tháng thì sẽ dần thu hồi lại máy. Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các nhà mạng đều phải làm hiện nay.
Cuộc đại náo làng quê của điện thoại cố định không dây giữa các “ông lớn” chưa biết ai thiệt hơn ai, nhưng trước hết người dân vùng nông thôn đang được lợi lớn, có cơ hội hiện đại hóa cuộc sống bằng “cái alô” tiện lợi. Nông thôn vẫn đang được xem là thị trường lớn mà các đại gia viễn thông như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều hướng tới. Không chỉ là điện thoại cố định không dây, mà chắc chắn ngay cả dịch vụ điện thoại di động sẽ có còn những “cuộc chiến quyết liệt” giữa các đại gia này ở vùng nông thôn Việt Nam.

Không công bằng với khách hàng trung thành


TT - Tôi rất đồng ý với những ý kiến phản ánh các mạng di động bỏ rơi thuê bao trả sau. Làm như thế thật không công bằng với những khách hàng dùng thuê bao trả sau đã trung thành với mạng dịch vụ trong nhiều năm.

>> Thuê bao trả sau chịu nhiều thiệt thòi
Tôi dùng mạng Viettel đã ba năm nay, trung bình mỗi tháng chi khoảng 800.000 đồng cước phí nhưng khuyến mãi chẳng có gì. Trong khi đó thuê bao trả trước được khuyến mãi rất nhiều và liên tục như nạp tiền được tăng 130% số thẻ nạp, khi nào hết khuyến mãi thì thuê bao trả trước lại vứt sim vào sọt rác.
* Tôi là khách hàng sử dụng thuê bao trả sau của mạng Viettel. Nhiều khi tôi cũng thấy bực mình vì không có chương trình ưu đãi trong khi thuê bao trả sau thường là khách hàng thân thiết. Tôi dùng mấy năm mà chẳng thấy được khuyến mãi gì cho đáng. Viettel gần đây có khuyến mãi tặng 3-5 phút gọi nội mạng trong khoảng thời gian 6g-9g, trong khi thời gian đó người ta bận bịu chuẩn bị đi làm, đưa con đi học, ít người gọi điện thoại. Tôi mong các nhà mạng xem lại chính sách đối với thuê bao trả sau, đừng để khi khách thất vọng hay rời bỏ rồi mới đưa ra lời hứa sẽ làm tốt.
* Tôi hiện đang dùng thuê bao trả sau của Viettel, mỗi tháng chưa kịp đóng tiền đã bị khóa một chiều rồi hai chiều. Có tháng tôi bận về quê, chưa kịp đóng tiền đã được gửi giấy thông báo đến chỗ trọ, mở thư ra thì cứ như một lời đe dọa khách hàng nếu không đóng trong thời gian hai ngày nữa (kể từ ngày nhận được thông báo này) là sẽ nhờ tòa án giải quyết.
Ông Hoàng Sơn (giám đốc Viettel Telecom):
Quan điểm kinh doanh của chúng tôi không có sự phân biệt đối xử giữa thuê bao trả trước và trả sau. Cùng với các chương trình khuyến mãi dành cho thuê bao trả trước, chúng tôi vẫn thường xuyên tiến hành các chương trình khuyến mãi cho thuê bao trả sau. Chẳng hạn chương trình khuyến mãi cho thuê bao trả sau đang được áp dụng như miễn phí ba phút gọi nội mạng mỗi ngày, tức mỗi tháng một thuê bao trả sau được gọi miễn phí tới 90 phút. Chúng tôi cũng có những chính sách chăm sóc dành riêng cho thuê bao trả sau như tặng quà nhân dịp sinh nhật của khách hàng, tặng quà khách hàng VIP.
Ngoài ra, do tiền cước của các thuê bao khác nhau nên chúng tôi phân ra thành từng nấc khác nhau để có chế độ chăm sóc phù hợp. Vì vậy, có thể những khách hàng có mức cước trong tháng trung bình thì cảm nhận sự quan tâm ít hơn so với khách hàng có mức cước cao.
Cũng vì do số lượng thuê bao trả sau ít hơn trả trước, chỉ chiếm 10% trong tổng số thuê bao di động của Viettel, nên hình thức ưu đãi cho các thuê bao trả sau không làm theo kiểu đại trà và không được truyền thông rầm rộ nên một mặt nào đó khách hàng có cảm nhận ít được quan tâm hơn.

Lâm Đồng: 100% trường THPT được trang bị phòng máy tính


(SGGP). – Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã ký kết với Công ty Viễn thông VNPT và Công ty Viễn thông quân đội Viettel nối mạng internet đến cơ quan giáo dục và đơn vị trường học.

100% các trường THPT của tỉnh được trang bị từ 1 - 3 phòng máy vi tính (mỗi phòng có 25 máy tính nối mạng). Ngành giáo dục địa phương cũng dành 4 tỷ đồng trang bị máy vi tính cho 50% trường THCS.
Được biết trong năm học 2009 - 2010, ngành tiếp tục đầu tư hơn 8.000 máy vi tính để trang bị cho các trường vùng sâu tiếp cận thông tin.
H.Hương

Kiện thẻ cào lỗi, chỉ có 'ôm trái đắng'


(VietNamNet) - Bị người mua quay lại dọa đánh, mất nhiều khách quen vì thẻ lỗi nhưng đại lý phải ròng rã khiếu nại hơn một năm mới được giải quyết.

- Bị người mua quay lại dọa đánh, mất nhiều khách quen vì thẻ lỗi nhưng đại lý phải ròng rã khiếu nại hơn một năm mới được giải quyết.
Hơn 1 năm, 65 thẻ lỗi
Từ đầu năm 2008, lác đác trong các lô thẻ cào Viettel bán ra, anh H.S (043350xxxx) lại gặp một vài thẻ thẻ lỗi. Có những thẻ anh tự tay cào, nạp cho khách ngay tại cửa hàng nhưng không được, phải lấy một thẻ mới nạp và để thẻ kia kiểm tra lại. Gọi lên tổng đài và đọc số seri thì nhân viên tổng đài trả lời số seri không có trên hệ thống (tức là thẻ đã bị nạp từ trước).
Thỉnh thoảng mới gặp thẻ lỗi nhưng khiếu nại dằng dai nên trong hơn 1 năm, anh S đã "tích" đến 65 thẻ lỗi với trị giá lên đến 7.350.000 đồng. Ảnh: HM
Có những thẻ khách mang về cào thì bị báo lỗi, khách gọi điện kiểm tra thì được biết thông tin thẻ cào có seri số xxxxxxxxxxxx đã được nạp cho thuê bao 84xxxxxxxxx nào đó cùng mạng vào thời gian cách đó hàng tháng, hàng năm. Và thế là khách mang lại cửa hàng bán lẻ bắt đền.
Khách dễ tính thì cãi lý, đòi đổi thẻ rồi đi. Khách khó tính thì làm um sùm, to tiếng chửi mắng, túm cổ áo ông chủ cửa hàng dọa đánh nếu không đổi thẻ. Nhưng có một điểm chung là họ không quay lại cửa hàng một lần nào nữa dẫu có là khách quen.
Tính đến cuối tháng 7/2009, tại cửa hàng của anh đã phát sinh 65 thẻ lỗi (2 thẻ mệnh giá 500.000đ, 2 thẻ 300.000đ, 6 thẻ 200.000đ, 36 thẻ 100.000đ và 19 thẻ 50.000đ) với tổng giá trị là 7.350.000 đồng. Toàn bộ số tiền tương ứng với mệnh giá thẻ này, anh S phải tự bỏ tiền túi ra để đền cho khách hàng.
Đeo bám khiếu nại, dằng dai giải quyết
Ngay từ thẻ đầu tiên bị lỗi, anh S. đã tìm đến sự trợ giúp từ nhà mạng. Tuy nhiên, khi khiếu nại về thẻ lỗi, nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng chỉ cung cấp cho anh hai thông tin: hoặc thẻ đã được nạp cho thuê bao nào đó, hoặc số seri anh nhờ kiểm trả không có trên hệ thống.
Hàng tập dày giấy báo lỗi thẻ của anh S. suốt từ năm 2008 đến tháng 7/2009. Ảnh: HM
Ra cửa hàng giao dịch trực tiếp của Viettel, nhân viên tại đây cung cấp cho anh mẫu khiếu nại thẻ lỗi và tiến hành kiểm tra trên hệ thống. Ngoài việc xác định nguyên nhân thẻ lỗi, thời gian nhập kho Viettel, anh S không được giải quyết đổi lại thẻ lỗi. Anh S được chỉ dẫn gửi lại thẻ lỗi cho trung tâm Viettel nơi anh nhập thẻ, đợi trung tâm đó khiếu nại lên trên và khi có kết quả kiểm tra, nếu đúng thẻ lỗi anh sẽ được đổi thẻ mới.
Anh S. cho biết, vì để kinh doanh nên cửa hàng anh đôi khi nhập thẻ từ những trung tâm rất xa, tận miền Nam hoặc vùng núi nào đó. Do vậy, việc gửi lại những nơi đó thực sự phiền hà, mất nhiều công sức mà chưa chắc anh đã được đổi thẻ. Bởi thế, hơn một năm nay, anh đành liên tục làm phiền Chi nhánh Kinh doanh Hà Nội II và trung tâm 3 Hà Nội I của Viettel cũng như nhân viên tổng đài 19008198 mỗi lần xuất hiện thẻ lỗi.
Anh S tâm sự: “Mỗi lần thẻ lỗi là một lần tôi xác định mình bị mất tiền. Khiếu nại thì dằng dai và mỗi lần tôi hỏi, họ đều bảo tôi chờ. Chờ đợi hơn một năm, tôi đã mất hết hi vọng. Nhưng gần đây, một người gần nhà tôi khiếu nại được nhà mạng đền bù thẻ và đọc được bài báo trên VietNamNet, tôi lại tiếp tục đi khiếu nại. Tôi cũng mong muốn nhà mạng Viettel có một quy trình giải quyết đơn giản và nhanh chóng hơn trong việc giải quyết thẻ lỗi để chúng tôi đỡ thiệt".
Trước đó, vào ngày 28/7, VietNamNet đã đăng tải trường hợp mệt mỏi vì kiện tụng vòng vo khi lỗi thẻ của anh Trọng đã được nhà mạng đổi lại thẻ cào.
Sẽ đổi những thẻ lỗi do nguyên nhân khách quan
Khi anh H.S gọi điện đến đường dây nóng của VietNamNet thì Phó Giám đốc Chi nhánh Kinh doanh Hà Nội II và Trưởng phòng CSKH của nhà mạng Viettel cũng đã có buổi tiếp xúc đầu tiên. Anh S được đề nghị chuyển toàn bộ thông tin của 65 thẻ cho đại lý và chi nhánh của Viettel để kiểm tra.
Khách hàng và những điểm bán lẻ như thế này có thể đến cửa hàng trực tiếp hoặc chi nhánh Viettel để khiếu nại vấn đề thẻ lỗi. Ảnh: HM
Sau 10 ngày, nguyên nhân 65 thẻ lỗi của anh Sơn được nhà mạng xác định là do lỗi sản xuất và ngày 13/8, Viettel đã tiến hành đổi lại toàn bộ thẻ cào mới cho anh Sơn.
Đại diện truyền thông mạng Viettel cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗi thẻ: lỗi trong quá trình sản xuất thẻ và lỗi ở khâu bảo quản của đại lý dẫn đến tình trạng lộ mã số thẻ.
Trong trường hợp gặp thẻ lỗi, khách hàng cần mang thẻ đó đến cửa hàng và chi nhánh kinh doanh của Viettel. Chi nhánh sẽ tiếp nhận thẻ cào, kiểm tra tình trạng thẻ và dựa trên kết quả kiểm tra sẽ có phương án xử lý.
Cụ thể, khách hàng sẽ được đổi thẻ trong trường hợp thẻ cào lỗi do quá trình sản xuất và trong trường hợp thẻ cào được nạp thành công cho số thuê bao khác nhưng thời điểm nạp thẻ xảy ra trước thời điểm Viettel xuất kho hàng cho đại lý.
Trong trường hợp thẻ cào được nạp thành công cho thuê bao khác nhưng sau thời gian Viettel xuất kho hàng, nhà mạng không thể đảm bảo quá trình bảo quản thẻ cho khách hàng sau thời gian xuất kho.
Trách nhiệm sản phẩm
(Điều 17, chương IV, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng)
1. Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi.
2. Thương nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm có khuyết tật tới người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm đó nếu thương nhân đó không xác định được thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này theo yêu cầu của người tiêu dùng.
3. Thương nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp khuyết tật của sản phẩm có nguyên nhân một phần hoặc toàn bộ từ khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm do thương nhân đó cung cấp.
4. Trong trường hợp có từ hai thương nhân trở lên phải chịu trách nhiệm sản phẩm theo quy định của Điều này thì các thương nhân đó phải liên đới chịu trách nhiệm.
5. Việc thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm theo quy định Luật này không thay thế hay loại trừ trách nhiệm bảo hành sản phẩm và các trách nhiệm khác của thương nhân theo các quy định tại Luật này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bị cắt ADSL không thông báo, có thể kiện


Nghị định 28/2009/NĐ-CP quy định rất rõ mức xử phạt hành chính trong việc cung cấp sử dụng Internet.

Trong đó có quy định nhà cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet mà không thông báo cho người sử dụng biết trước (trừ trường hợp bất khả kháng), từ chối cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng... thì bị xử phạt từ năm đến 10 triệu đồng.
Như vậy với những người sử dụng ADSL, nếu bị cắt vô cớ thì có thể khiếu nại để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, mấy ngày qua, dịch vụ ADSL của Viettel đã cắt dịch vụ tùy tiện mà không hề thông báo với khách hàng.
Ngày 21-8, anh H. ở phường 11, quận 10, TP.HCM phát hiện mạng ADSL nhà mình bị cúp đột ngột. Đang cần giải quyết công việc gấp qua mạng, anh đành ôm máy laptop ra cà phê Wi-Fi. Đến hôm sau anh vào mạng vẫn không được. Gọi năm lần bảy lượt đến tổng đài thì được nhân viên tổng đài nói “thuê bao vẫn hoạt động”. Tuy nhiên, sau đó cô nhân viên này nói rằng: “Do mấy ngày nay đường dây cáp mạng nhà anh bị cắt để nâng cấp”. Sau đó, cô nhân viên tổng đài hẹn trong vòng... 12 giờ nữa sẽ có người đến sửa (!?).
Anh H. cho biết trước đây anh cũng không ít lần bị nhà cung cấp “cho leo cây”. Theo anh H., người đăng ký dịch vụ ADSL hiện nay thường là những người rất cần cho công việc chứ không phải chat chít vớ vẩn. Do vậy, chỉ cần nhà cung cấp cắt mạng đột ngột là công việc bị ùn tắc ngay lập tức.
Một trường hợp gặp phiền toái khác là anh Huy, một khách hàng sử dụng dịch vụ MegaVnn (VNPT) ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Anh Huy cho biết anh ở trọ nên nhờ chủ nhà đăng ký, sau đó anh chuyển chỗ ở và báo cắt dịch vụ. Thế nhưng điều lạ là mặc dù một thời gian dài anh không xài nhưng vẫn bị tính tiền.
Chị Bạch Mai ở Tiền Giang đăng ký ADSL theo chương trình khuyến mãi MegaVnn. Nhà mạng tuyên bố sẽ miễn cước thuê bao sáu tháng. Tuy nhiên, tháng đầu chị Mai sử dụng thì lại bị tính tiền với số tiền lên đến gần 100 ngàn đồng (tính cả cước thuê bao). Tá hỏa, chị Mai đến báo lại dịch vụ thì nhân viên cho biết là tháng sau mới khuyến mãi cho chị. Quá bực mình, chị Mai yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ nhưng hai tháng kế tiếp chị vẫn tiếp tục bị thu cước vô cớ. Quá mệt mỏi, chị cắn răng đóng cước cho xong.
Với chủ trương của nhà nước khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ Internet, đáng ra các nhà mạng phải chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để khách hàng an tâm sử dụng. Việc không chăm sóc tốt khách hàng là khó có thể chấp nhận!

Hạ ngầm dây đi nổi trên phố Hoàng Diệu


(ANTĐ) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu triển khai hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi trên tuyến phố Hoàng Diệu. Theo đó, các cơ quan liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện việc hạ ngầm các tuyến đường dây, cáp thông tin, viễn thông trên tuyến phố Hoàng Diệu.

Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thực hiện hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, chiếu sáng trên tuyến phố Hoàng Diệu; chủ động phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông quân đội để đôn đốc và khẩn trương triển khai thi công hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi trên tuyến này.

Các đơn vị được giao hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cống bể kỹ thuật trước ngày 10-9-2009 để UBND quận Ba Đình tiếp tục thi công chỉnh trang hè phố.

Để tránh lãng phí, chồng chéo khi triển khai dự án, UBND quận Ba Đình chỉ đạo việc thi công chỉnh trang hè phố phối hợp với các đơn vị thực hiện đồng bộ.


Bệnh viện dã chiến Hà Nội có thể tiếp nhận 600 bệnh nhân cúm A/H1N1


(VOV) - Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã có phương án sử dụng doanh trại của Sư đoàn 301 làm bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận tới 600 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.


Cũng theo ông Tuấn, các bệnh viện Saint Paul, Đức Giang, Đống Đa, Thanh Nhàn, Bắc Thăng Long, Sơn Tây, Hà Đông, Vân Đình đều có từ 20-100 giường cùng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, hóa chất... để sẵn sàng thu dung, điều trị cho bệnh nhân cúm. Các bệnh viện này cũng đã thực hiện khám sàng lọc, cách ly và điều trị bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Một số bệnh viện khác cũng có khu cách ly với ít nhất 10 giường bệnh và đầy đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền... sẵn sàng, điều trị trong trường hợp dịch bùng phát, lượng bệnh nhân lớn.
“Đến nay, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị 218 máy thở, cấp 16.000 viên Tamiflu cho các đơn vị, mua dự trữ 12.000 viên sẵn sàng điều trị cho khoảng 3.000 người khi có đại dịch”, ông Tuấn cho biết.
Sở Y tế nhận định “người dân không nên hoang mang nhưng không được chủ quan”, mặc dù thời gian qua các ổ dịch đã được xử lý kịp thời nhưng đã xuất hiện những chùm ca bệnh, dịch có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Đặc biệt, học sinh sắp bước vào năm học mới nên nguy cơ xảy ra dịch trong các trường học là rất lớn. Việc giám sát dịch sẽ rất khó khăn vì hiện nay dịch đã lan ra cộng đồng, nhiều trường hợp không xác định được yếu tố dịch tễ. Do vậy, dịch có nguy cơ bùng phát với số ca mắc lớn nhất vào mùa thu đông, khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc lưu hành dịch.
Trên địa bàn Hà Nội, đến nay đã có 3 cơ quan là TCty Viettel, Cty Vigracera, Trường cán bộ Hội Nông dân và 5 trường phổ thông là Lomonosov, Đoàn Thị Điểm, Nam Thành Công, Academi-Ciputra, Nguyễn Du và 2 trường ĐH là ĐH Sư phạm 1, ĐH SP TDTT 2 xuất hiện ổ dịch./.
Đỗ Hưng

Viettel công bố danh sách khách hàng trúng thưởng


Ngày 20.8, Viettel đã công bố danh sách trúng thưởng chương trình “Chăm sóc khách hàng đặc biệt tháng 8” sau khi xác minh lại toàn bộ số khách hàng này.

Danh sách khách hàng trúng thưởng được công bố trên website của Viettel.
Đại diện cục xúc tiến thương mại, đại diện các cơ quan báo chí, đại diện khách hàng (thuê bao trả trước, trả sau) của Viettel… đã chứng kiến buổi quay số vào sáng ngày 15.8 tại trụ sở Viettel Số 1 Giang Văn Minh- Ba Đình- Hà Nội.
20 khách hàng đã may mắn trúng giải đặc biệt 10 triệu đồng/giải, 60 khách hàng nhận giải nhất trị giá 5 triệu đồng/giải, 120 giải nhì trị giá 3 triệu đồng, 220 giải ba trị giá 2 triệu đồng và 300 giải tư trị giá 1 triệu đồng cùng 5.500 giải khuyến khích với các phần thưởng là tiền mặt và thẻ cào có giá trị từ (50 – 500 nghìn đồng).
Các thuê bao trúng thưởng sẽ được Viettel trao quà tận tay. Đối với các thuê bao Viettel không liên hệ được, khách hàng có thể chủ động gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel số 18008198, 19008198 để được hướng dẫn nhận thưởng. Sau ngày 15.9.2009 giải thưởng của các khách hàng không liên hệ được sẽ bị hủy bỏ. Chi tiết danh sách khách hàng trúng thưởng xem tại đây.
H.M.A

Viettel công bố giải thưởng chương trình 'Chăm sóc khách hàng đặc biệt tháng 8'.


(24h) - Ngày 20/8/2009 Công ty viễn thông Viettel đã công bố danh sách trúng thưởng chương trình “Chăm sóc khách hàng đặc biệt tháng 8”.

Buổi lễ quay số diễn ra vào sáng ngày 15/8/2009 tại trụ sở Công ty viễn thông Viettel Số 1 Giang Văn Minh- Ba Đình- Hà Nội, trước sự chứng kiến của khách mời là: Đại diện cục xúc tiến thương mại, đại diện các cơ quan báo chí, đại diện khách hàng (thuê bao trả trước, trả sau) của Viettel… Sau hơn 2 giờ quay thưởng hội đồng đã tìm ra 20 khách hàng may mắn trúng giải đặc biệt 10 triệu đồng/giải, 60 khách hàng nhận giải nhất trị giá 5 triệu đồng/giải, 120 giải nhì trị giá 3 triệu đồng, 220 giải ba trị giá 2 triệu đồng và 300 giải tư trị giá 1 triệu đồng cùng 5.500 giải khuyến khích với các phần thưởng là tiền mặt và thẻ cào có giá trị từ (50.000 đ đến 500.000 đ). Phía Viettel mất 5 ngày để liên hệ và xác minh lại toàn bộ danh sách khách hàng trúng thưởng để chắc chắn các khách hàng nhận thưởng phù hợp với quy định của chương trình.
Chương trình “chăm sóc khách hàng đặc biệt tháng 8” của Viettel được tổ chức với quy mô lớn dành cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Theo đó các khách hàng là thuê bao trả sau đang hoạt động 1 chiều trước ngày 31/7/2009 sẽ được tặng 1 mã số để tham dự chương trình quay thưởng, tương tự các thuê bao trả trước khi nạp thẻ mới trong khoảng thời gian từ ngày 27/7/2009 đến 29/7/2009 sẽ được tặng một mã số để tham gia quay thưởng (mỗi lần nạp 1 thẻ được tặng 1 mã số). Sau khi gán mã số Viettel sẽ nhắn tin thông báo cho khách hàng biết về mã số này. Đây cũng là cơ sở để phía Viettel tiến hành quay thưởng và khách hàng có căn cứ để theo dõi xem mình có may mắn trúng thưởng hay không.
Các chương trình quay thưởng thường được áp dụng cho tất cả các thuê bao không phân biệt trả trước và trả sau. Điều đó dẫn đến việc các thuê bao trả sau ít có cơ hội nhận giải thưởng vì thuê bao trả trước chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn. Để mang tới nhiều quyền lợi cho thuê bao trả sau hơn nữa chương trình lần này Viettel đã phân biệt thành 2 hệ thống giải thưởng riêng cho trả trước và trả sau giúp đảm bảo việc các thuê bao trả sau sẽ nhận được giải thưởng. Hơn nữa việc Viettel đưa ra 6000 giải thưởng với tổng trị giá lên đến 3 tỷ đồng giúp gia tăng nhiều cơ hội trúng thưởng hơn cho khách hàng.
Ông Hoàng Sơn – Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “ Chương trình quay thưởng tháng 8 là một trong những hoạt động chăm sóc khách hàng lớn của Viettel trong năm nay, thể hiện sự trân trọng và tri ân của của Viettel đối với tất cả các khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ Viettel suốt những thời qua. Chúng tôi rất vui mừng khi được trao phần quà này tới các khách hàng. Hy vọng rằng, món quà này sẽ góp phần mang lại sự may mắn và thành công cho các khách hàng và đồng thời là một mốc son đánh dấu sự hợp tác dài lâu giữa khách hàng và Viettel”.
Để đảm bảo tối đa tính minh bạch của chương trình quay thưởng các thuê bao của cán bộ công nhân viên Viettel được loại ra khỏi danh sách quay thưởng. Sau khi có kết quả phía Viettel đã liên hệ xác minh lại thông tin của khách hàng và công bố trên Website: vietteltelecom.vn. Các thuê bao trúng thưởng sẽ được Viettel trao quà tận tay. Đối với các thuê bao tắt máy Viettel không thể liên hệ được nếu chủ thuê bao thấy tên mình trong danh sách trúng giải có thể gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel số 18008198, 19008198 để được hướng dẫn nhận thưởng. Sau ngày 15/9/2009 giải thưởng của các khách hàng không liên hệ được sẽ bị hủy bỏ.

Thêm một tòa nhà có người nhiễm cúm A/H1N1


(ANTĐ) - Hôm qua, 20-8, bà Chu Minh Ngọc - Giám đốc tòa nhà Pacific (số 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã xác nhận có một nhân viên làm việc tại tầng 8 thuộc tòa nhà này dương tính với cúm A/H1N1.

Bệnh nhân này đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia trong tình trạng sức khỏe ổn định. 8 nhân viên từng làm việc cùng phòng với bệnh nhân đã chủ động nghỉ việc, ở nhà tự theo dõi sức khỏe. 2 văn phòng của 2 công ty bên cạnh cũng đã cho nhân viên nghỉ việc.
Như vậy, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera, đây là tòa nhà cao tầng thứ 3 tại Hà Nội có người nhiễm cúm A/H1N1. Tòa nhà Pacific có 19 tầng với nhiều văn phòng làm việc, nhiều căn hộ chung cư cao cấp. Trong ngày 20-8, cán bộ Y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm đã phun thuốc khử trùng và xử lý y tế tại tòa nhà. Tòa nhà cũng đã kịp thời chuẩn bị nước súc miệng sát khuẩn đặt tại bàn lễ tân, cử nhân viên bảo vệ đứng ở cửa để đo thân nhiệt, phát khẩu trang phòng cúm cho toàn bộ nhân viên và khách đến giao dịch.
Trên cả nước, theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 20-8 Việt Nam đã ghi nhận thêm 67 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (Miền Nam: 63 ca, miền Trung: 4 ca), nâng tổng số ca đã ghi nhận lên 1.743 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống cúm A (H1N1) trong các trường học


ND - Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), ngày 20-8 cả nước ghi nhận thêm 67 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1).

Như vậy, đến ngày 20-8, Việt Nam ghi nhận 1.743 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), trong đó có 1.090 trường hợp khỏi bệnh ra viện, hai trường hợp tử vong và 651 trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Hằng ngày vẫn phát hiện học sinh mắc cúm A (H1N1), trong khi đó ngày khai giảng càng đến gần, chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các trường học chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm A (H1N1). Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng...) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hoạt động đường dây nóng ở các tỉnh, thành phố để kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho người dân về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng.
Tại Hà Nội, ngày 20-8, một nhân viên tòa nhà Pacific (số 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã xác nhận dương tính với cúm A (H1N1). Hiện người bệnh đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trong ngày, cán bộ Y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành công tác phun thuốc khử trùng và xử lý y tế tại tòa nhà. Như vậy, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera, đây là tòa nhà cao tầng thứ ba tại Hà Nội có người nhiễm cúm A (H1N1).
Tỉnh Kiên Giang phát hiện thêm ba học sinh của lớp 5/4 Trường tiểu học Kim Đồng bị nhiễm cúm A (H1N1), nâng tổng số ca nhiễm cúm A (H1N1) trên toàn tỉnh Kiên Giang lên 15 trường hợp, trong đó riêng lớp 5/4 Trường tiểu học Kim Đồng năm trường hợp. Hiện khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang cách ly, điều trị thêm một học sinh lớp ba và một phụ huynh của Trường tiểu học Kim Đồng có biểu hiện nghi nhiễm cúm A (H1N1). Ban chỉ đạo phòng, chống cúm A (H1N1) của tỉnh đã thống nhất cho học sinh trường này tạm nghỉ học một tuần từ ngày 20 đến 31-8. Nhà trường cũng trang bị 100 khẩu trang cho các em có tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm cúm A (H1N1) trước đó, đồng thời tuyên truyền cho các em làm vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay sau khi đi vệ sinh. Trung tâm y tế dự phòng TP Rạch Giá cấp thêm 1.000 khẩu trang cho các em học sinh ở Trường tiểu học Kim Đồng và yêu cầu tất cả giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường. Trước việc dịch cúm tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã mở thêm một khu vực cách ly, điều trị cúm A (H1N1) dự phòng tại Phòng khám đa khoa khu vực Rạch Sỏi (TP Rạch Giá).
Ngành y tế Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hiện chưa phát hiện nhà thuốc nào vi phạm. Hiện nay, Đà Nẵng đủ thuốc Tamiflu điều trị cho các trường hợp nhiễm cúm A (H1N1). Việc bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu ở Đà Nẵng thực hiện khá chặt chẽ, bảo đảm đủ liều điều trị. Bộ Y tế vừa cấp 7.000 viên Tamiflu cho Đà Nẵng. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực thực hiện việc sát khuẩn, lau chùi bàn ghế và chuẩn bị thuốc sát trùng, khẩu trang y tế, dụng cụ đo thân nhiệt và bố trí phòng cách ly cho học sinh khi phát hiện những biểu hiện nghi nhiễm cúm A (H1N1) tại trường. Bên cạnh đó, các trường đề nghị phụ huynh học sinh nên tiến hành kiểm tra sức khỏe cho con em mình trước ngày tựu trường, khuyến cáo phụ huynh nếu phát hiện con mình có biểu hiện nghi cúm thì không nên đưa tới trường mà phải liên hệ với cán bộ y tế để kiểm tra, giám sát. Các trường cũng tiến hành phổ biến cho học sinh cách phòng, ngừa bệnh cúm A (H1N1).
Sở Y tế Đác Lắc vừa tổ chức tập huấn về biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H1N1) trong nhà trường cho hơn 130 hiệu trưởng các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề,... trong toàn tỉnh Đác Lắc. Trong đợt tập huấn, các giáo viên đã được cung cấp các kiến thức cơ bản về triệu chứng của bệnh cúm A (H1N1), biện pháp cách ly phòng bệnh trong trường học, biện pháp quản lý học sinh, sinh viên nếu có trường hợp dương tính, hoặc nghi nhiễm; mười khuyến cáo phòng, chống dịch cúm A (H1N1). Sở Y tế Đác Lắc còn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban chỉ đạo của ngành và chỉ đạo các trường phải thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, lập đường dây điện thoại nóng, nắm vững danh sách và địa chỉ của học sinh để tiện liên lạc trước khi khai giảng.
PV

Cùng Lý Nhã Kỳ nâng niu nụ cười bé thơ


(VOV) - Ngày 19/8, diễn viên Lý Nhã Kỳ đã có chuyến thăm và tặng quà cho trẻ em bị hở hàm ếch tại bệnh viện Mỹ Thiện (TP HCM) trong vai trò “Đại sứ nụ cười” của tổ chức Operation Smile tại Việt Nam


Nắm tay chơi đùa, tặng quà, đút từng thìa sữa và túc trực trong một số ca mổ cho trẻ em bị hở hàm ếch, nữ diễn viên xinh đẹp khiến nhiều người bất ngờ và xúc động.
Trong bộ trang phục sơ mi trắng và quần jeans, "kiều nữ" trông thật gần gũi và thân thiện giữa đời thường. Cô cho biết, dù bận rộn với việc kinh doanh và đóng phim, nhưng cô rất vui mừng khi được chọn làm “Đại sứ nụ cười” tại Việt Nam của tổ chức từ thiện phi chính phủ Operation Smile. "Cứ mỗi lần tiếp xúc với các em như thế này, không hiểu sao trong tôi cứ dâng lên những cảm xúc khó tả. Chứng kiến hoàn cảnh của các em, mọi sân si nhỏ bé trong mỗi con người như tan biến hết", Lý Nhã Kỳ chia sẻ.
Lý Nhã Kỳ và nhóm tình nguyện viên Viettel thể hiện quyết tâm giúp đỡ các bệnh nhân
Chiến dịch phẫu thuật “Nụ Cười Trẻ Thơ” lần thứ ba do Viettel cùng với tổ chức Operation Smile Vietnam và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM phối hợp tổ chức với mục đích đem lại nụ cười cho 300 em nhỏ mắc các dị tật khe hở môi, hở hàm ếch tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ tại Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận...
Đây là năm thứ hai hoạt động xã hội phẫu thuật nụ cười có quy mô rộng lớn được Viettel tài trợ và đồng tổ chức. Trong các lần phẫu thuật trước tại các tỉnh miền Bắc (tháng 7/2008) và các tỉnh miền Tây Nam Bộ (tháng 12/2008), các bác sỹ, y tá, tình nguyện viên của chiến dịch đã mang lại nụ cười rạng rỡ cho hơn 500 trẻ bị các dị tật khe hở môi, hở hàm ếch bẩm sinh./.
*Một số hình ảnh Lý Nhã Kỳ tại bệnh viện Mỹ Thiện:
Nhã Kỳ cùng với tình nguyện viên Viettel trao quà...
...và chơi đùa cùng các bé
Cùng túc trực với ekip bác sỹ mổ tình nguyện trong phòng phẫu thuật

Người đẹp Lý Nhã Kỳ với “nụ cười trẻ thơ”


“Nhã Kỳ mong muốn mọi người hãy chung tay góp sức để có thêm nhiều nụ cười lành lặn cho các bé bị dị tật hở môi, hở hàm ếch”.

Ngày 20/8/2009, Công ty Viễn thông Viettel, Tổ chức Operation Smile Việt Nam, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hồ Chí Minh, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tổng kết chiến dịch phẫu thuật nụ cười dành cho trẻ em nghèo các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tới tham dự chương trình có ông Nguyễn Thăng Long, Phó Giám đốc Công ty viễn thông Viettel, Đại diện tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam; bác sĩ Lâm Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW TP. HCM; Đại diện đài truyền hình TP. HCM cùng đại sự thiện chí của chương trình diễn viên Lý Nhã Kỳ và toàn bộ đoàn bác sĩ, tình nguyện viên của chương trình. Nhã Kỳ cùng với tình nguyện viên Viettel trao quà cho các bé.
Chiến dịch Phẫu thuật nụ cười khu vực Miền Đông Nam Bộ được Công ty viễn thông Quân đội Viettel khởi động từ tháng 6/2009, có hơn 400 bệnh nhân đăng ký nhận hỗ trợ từ chương trình.
Theo đó, các gia đình có con em mắc bệnh được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, kinh phí đi lại ăn ở trong thời gian lưu lại tại các điểm phẫu thuật; bên cạnh đó các em cùng người nhà còn được hơn 100 tình nguyện viên là các cán bộ, nhân viên tại 6 chi nhánh của Viettel Telecom ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và nhiều bộ phận khác liên lạc, đưa đón, giúp đỡ tận tình cho tới khi phẫu thuật xong.
Sau 3 tuần thực hiện phẫu thuật liên tục tại Bình Phước và Hồ Chí Minh, đã có gần 300 em được mổ thành công. Đây sẽ là 300 nụ cười đẹp nhất trong mùa tựu trường năm nay. Các em không đủ tiêu chuẩn phẫu thuật do các yếu tố như: sức khỏe yếu, xét nghiệm cho kết quả bất thường cũng được các bác sĩ hẹn phẫu thuật vào đợt kế tiếp tại TP. HCM.
Ông Nguyễn Thăng Long, Phó Giám đốc Công ty viễn thông Viettel chia sẻ: “Quan điểm của Viettel khi làm từ thiện là sẽ làm bằng cả tấm lòng để sao cho những người nhận được sự giúp đỡ có cảm giác ấm áp và gần gũi nhất”.
"Đại sứ thiện chí" Lỹ Nhã Kỳ với "nụ cười trẻ thơ". “Việc làm từ thiện sẽ không chỉ dừng ở số tiền ủng hộ mà sẽ là tình cảm, sự sẻ chia của Viettel, đặc biệt là từ các nhân viên trực tiếp tham gia chương trình. Đó cũng chính là sự khác biệt của Viettel trong cách làm các hoạt động xã hội”.
Chiến dịch phẫu thuật nụ cười lần này diễn ra gần 1 tháng tại khu vực miền Đông Nam Bộ. Tại điểm phẫu thuật Bệnh viện đa khoa Bình Phước có 98 trẻ được mổ thành công. Điểm phẫu thuật Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW TP. HCM và bệnh viện Mỹ Thiện (TP. HCM) có 196 trẻ được mổ thành công.
Diễn viên Lý Nhã Kỳ đại sứ thiện chí của chương trình xúc động chia sẻ: “Nhã Kỳ đã được đi và chứng kiến nhiều cháu bé muốn được sống, được cười như những người bình thường, nhưng đó chỉ là giấc mơ đối với trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch”.
“Điều này đã thôi thúc Nhã Kỳ tham gia chương trình. Trong thời gian làm đại sứ thiện chí của Chiến dịch Nụ cười trẻ thơ, Nhã Kỳ và những tình nguyện viên tham gia chương trình đã làm hết sức mình để mang lại những nụ cười bình thường cho các bé”.
“Nhã Kỳ cũng mong muốn mọi người hãy chung tay góp sức, dù chỉ là nhỏ bé, để có thêm nhiều nụ cười lành lặn cho các bé có hoàn cảnh khó khăn bị dị tật hở mô, hở hàm ếch”.
Đây là lần thứ ba Viettel cùng với tổ chức Operation Smile Vietnam thực hiện chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ bị mắc các dị tật hở môi, hở hàm ếch.
Trong các lần phẫu thuật trước tại các tỉnh miền Bắc (tháng 7/2008) và các tỉnh miền Tây Nam Bộ (tháng 12/2008), các bác sỹ, y tá, tình nguyện viên của chiến dịch đã mang lại nụ cười rạng rỡ cho hơn 500 trẻ bị mắc các dị tật khe hở môi, hở hàm ếch bẩm sinh.
Với gần 300 trẻ được phẫu thuật thành công lần này sẽ là động lực thúc đẩy Viettel, tiếp tục duy trì tốt các hoạt động nhân đạo. Đây cũng đúng với mong muốn chung tay cùng xã hội giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam có được sức khỏe tốt, tự tin bước vào đời của Viettel.

Gần 300 em nhỏ được phẫu thuật nụ cười thành công


QĐND Online - Ngày 21-8, Viettel và tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam), bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hồ Chí Minh, đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tổng kết chiến dịch phẫu thuật nụ cười dành cho trẻ em nghèo các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Chiến dịch phẫu thuật nụ cười khu vực miền Đông Nam Bộ được Viettel khởi động từ tháng 6-2009, đã có hơn 400 bệnh nhân đăng ký nhận hỗ trợ từ chương trình này. Các gia đình có con em mắc bệnh được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, kinh phí đi lại ăn ở trong thời gian lưu lại tại các điểm phẫu thuật; bên cạnh đó các em cùng người nhà còn được hơn 100 tình nguyện viên là các cán bộ, nhân viên tại 6 chi nhánh của Viettel Telecom ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đưa đón, giúp đỡ cho tới khi phẫu thuật xong. Sau 3 tuần thực hiện phẫu thuật liên tục tại Bình Phước và Hồ Chí Minh có gần 300 em được mổ thành công. Các em không đủ tiêu chuẩn phẫu thuật do các yếu tố như: sức khỏe yếu, xét nghiệm cho kết quả bất thường cũng được các bác sĩ hẹn phẫu thuật vào đợt kế tiếp tại TP.Hồ Chí Minh.
Đây là lần thứ ba Viettel cùng với tổ chức Operation Smile Vietnam thực hiện chương trình này. Với gần 300 trẻ được phẫu thuật thành công lần này sẽ là động lực thúc đẩy Viettel tiếp tục duy trì tốt các hoạt động nhân đạo. Đây cũng đúng với mong muốn chung tay cùng xã hội giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam có được sức khỏe tốt, tự tin bước vào đời.
Văn Phong

Thị trường điện thoại di động Việt Nam: Thêm mạng, giá cước giảm đến đâu?


Với việc Đông Dương Telecom được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động, thị trường Việt Nam đã có tới 8 nhà khai thác. Chưa kể VTC đang xin phép, thì con số này vẫn được xem là đã quá nhiều đối với một thị trường như Việt Nam. Nhiều nhà cung cấp, liệu giá dịch vụ có rẻ hơn hiện nay nữa không?


Hiệu ứng “miễn phí nội mạng”
Theo như ông Phạm Thanh Tự – Chủ tịch HĐQT Đông Dương Telecom, trong quý 1-2010, mạng này sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường. Chưa rõ hiệu ứng của “mạng thứ 8” sẽ ra sao, nhưng rõ ràng cú ra mắt hoành tráng của mạng thứ 7 - Beeline với gói cước Big Zero hồi cuối tháng 7 vừa rồi đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của xã hội và đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, chưa bao giờ khái niệm “miễn phí nội mạng” lại hiện hữu đến thế. Thực ra trước Beeline, Vietnamobile đã áp dụng chính sách kiểu này, trước nữa là S-Fone. Tức là để được gọi miễn phí nội mạng, thuê bao chỉ cần bỏ ra một khoản phí không đáng kể. Hãy thử hình dung, với mạng Beeline, 2 số thuê bao 0199 ở Hà Nội và TPHCM gọi điện cho nhau 20 phút và cước phí cho cuộc gọi đó là 1.200 đồng (tính cước phút đầu tiên, miễn phí 19 phút). Quá rẻ, kể cả khi so với cách gọi đường dài VoIP.
Nhằm đáp trả chiêu “miễn phí nội mạng” và giữ chân khách hàng, các mạng di động lớn bắt đầu tung ra những biện pháp cần thiết. Từ đầu tháng 8, Viettel bắt đầu thực hiện chính sách gọi miễn phí nội mạng cho tất cả các thuê bao trả sau của mình. Theo đó, trong suốt tháng 8 này, các thuê bao trả sau của Viettel sẽ miễn phí từ 3-5 phút gọi nội mạng trong thời gian từ 6 đến 9 giờ sáng. Đây được xem là một động thái đối phó với trào lưu “miễn phí nội mạng” của một số mạng di động mới hiện nay. Chưa hết, sau một thời gian dài hạn chế khuyến mãi, từ đầu tháng 8 cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã “quay lại” với các thức khuyến mãi tặng ngay 100% (hoặc nhiều hơn) giá trị các thẻ nạp cho các thuê bao trả trước trong những khung thời gian nhất định; hoặc đối với những thuê bao mới hòa mạng. MobiFone và VinaPhone cho biết, cũng đang nghiên cứu để áp dụng biện pháp “khuyến mại nội mạng” hoặc “miễn phí nội mạng”, nhằm đối phó với trào lưu “miễn phí nội mạng” hiện nay.
Nỗi lo của các mạng lớn như Viettel và MobiFone, VinaPhone hiện nay là liệu những “lính mới” như Beeline, Vietnamobile và sắp tới là Đông Dương Telecom có “phá giá” thị trường hay không? Bởi chính 3 “ông lớn” này sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong cuộc chơi này. Những mạng nhỏ không có gì để mất, hoặc mất ít, được nhiều; trong khi các mạng lớn thì không được gì, được rất ít, hoặc mất rất nhiều trong cuộc đua giá cước này! Nghĩa là một mạng mới như Beeline sẽ phải lấy việc miễn phí gọi nội mạng và giá cước thấp để cạnh tranh và thu hút khách hàng; xem đó là lợi thế cạnh tranh của mình. Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể về vấn đề kinh doanh của mình, nhưng chắc chắn Đông Dương Telecom sẽ khó con đường nào khác ngoài những gì mà Beeline và Vietnamobile đã làm. Vấn đề là Đông Dương Telecom sẽ làm như thế nào và mức giá các dịch vụ bao nhiêu?
Giá thành có bị phá?
Về vấn đề giá thành cước di động ở thị trường Việt Nam hiện nay, mỗi mạng có một cách tính khác nhau và cũng không có mạng nào công bố cụ thể về con số này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, giá thành mỗi phút di động ở Việt Nam hiện nay dao động từ 700 - 1.000 đồng. Tùy theo mức độ đầu tư, lượng thuê bao, quá trình khai thác, vận hành, điều kiện kinh doanh,… mà mức giá thành mỗi mạng sẽ khác nhau. Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ TT-TT, thì giá cước di động Việt Nam hiện nay đã vào mức trung bình của khu vực và thế giới. Và cũng theo nhận định của Bộ TT-TT, với mức độ phát triển như hiện nay, vào năm 2015, giá cước di động Việt Nam sẽ nằm vào nhóm rẻ nhất thế giới!
Điều dễ dàng nhìn thấy hiện nay là các mạng di động lớn không muốn giảm cước nhiều thêm nữa. Trong khi đó các mạng mới lại phải sử dụng chiêu thức giảm cước (hoặc miễn phí nội mạng) để thu hút thuê bao. Tuy nhiên, kết cấu giá thành rất khó để có thể bị phá vỡ, bởi sự điều tiết khá chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này, trực tiếp là Bộ TT-TT. Lý do, tất cả các mạng di động của Việt Nam hiện nay là của Nhà nước như Viettel, VinaPhone, MobiFone, EVN Telecom (hoặc có vốn của Nhà nước đóng góp trong các liên danh như: Beeline, S-Fone, Vietnamobile), kể cả Đông Dương Telecom là công ty cổ phần, nhưng trong đó Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.
Mặt khác, dù đã giảm cước khá nhiều, nhưng vẫn chưa có mức giá của mạng nào “thủng sàn” giá thành (không tính việc khuyến mãi, hay miễn phí nội mạng). Xu hướng giảm cước là điều tất yếu của một thị trường phát triển, tuy nhiên có thể khẳng định sẽ không có giảm quá nhiều nữa. Bù lại đó, các mạng sẽ có những gói dịch vụ mới giá rẻ, phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Rõ ràng, việc tham gia thị trường của những mạng mới như Vietnamonbile và Beeline, đầu năm tới là của Đông Dương Telecom đã và sẽ khiến giá cước di động ngày càng giảm. Điều đó mang lại lợi ích nhiều cho khách hàng, nhất là đối với lớp khách hàng có thu nhập thấp, ở vùng nông thôn. Và đây cũng chính là “đích ngắm” của hầu hết các mạng di động hiện nay.
Trần Lưu

Mạng di động ký sinh


SGTT - Chiều ngày 19.8, bộ Thông tin và truyền thông trao giấy phép cho Đông Dương Telecom để thiết lập mạng dịch vụ thông tin di động không có tần số hay còn gọi là mạng di động ảo. Theo một nguồn tin, tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam – VTC cũng được phép thử nghiệm loại hình này.



Đông vui...
Với giấy phép này, Đông Dương Telecom là nhà cung cấp dịch vụ di động ảo đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Điểm khác biệt cơ bản giữa nhà mạng thứ tám này với bảy nhà mạng khác là họ không được cấp tần số và không phải đầu tư hạ tầng mạng. Giới chuyên môn cho biết, nhà mạng này tuy có đầu số nhưng chưa công bố vì đang thỏa thuận với các đối tác. Vì vậy, họ phải đàm phán với các nhà mạng khác để thuê sóng, thuê dung lượng kênh, thỏa thuận những dịch vụ được cung cấp, có được quyền phát triển thuê bao mới hay không, tỷ lệ thanh toán…
Theo một nguồn tin riêng, Đông Dương Telecom đã đề nghị với Viettel được thuê lại hạ tầng mạng 3G mà Viettel đang triển khai để cung cấp các dịch vụ viễn thông. Ngay sau khi nhận giấy phép, Đông Dương Telecom cho biết, họ sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, sử dụng internet di động để tạo nên sự khác biệt trên thị trường viễn thông. Nhà mạng này không tiết lộ gì về việc phát triển thuê bao mới.
Nhiều chuyên gia trong ngành viễn thông đánh giá, sự có mặt của nhà mạng mới về mặt lý thuyết là nâng cao chất lượng và cung cấp các dịch vụ mới trên thị trường di động.
... nên khó
Một chuyên gia trong ngành di động (đề nghị không nêu tên) bình luận: “Tôi cho rằng, họ không thể nào thuê được hạ tầng mạng 2G nên phải nhảy sang mạng 3G vì đây mới là mạng có đủ băng thông để cho Đông Dương Telecom vùng vẫy những dịch vụ mới để tạo sự khác biệt. Trên thực tế, còn quá nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi”. Theo chuyên gia này, trước hết, nhà di động mạng ảo phải thiết kế hệ thống điều hành, quản lý về cước, kết nối khách hàng, cung cấp dịch vụ phải tương thích với các nhà mạng mà họ thuê sóng, thuê hạ tầng.
Theo cách phân tích này, nhà mạng này chưa biết phải mua sắm thiết bị loại nào nếu chưa đàm phán xong với đối tác Viettel, vì trên nền công nghệ GSM, mỗi nhà mạng các tiêu chuẩn riêng.
Ông Hồ Hồng Sơn, giám đốc S-fone thú nhận rằng nhà cung cấp mạng CDMA này từng nghĩ tới hoạt động trên mạng ảo nhưng không thực hiện vì chưa có chính sách mang tính pháp lý. Một điều mà ông Sơn lo ngại là văn hóa hợp tác. “Tôi lo nhất là mâu thuẫn giữa nhà chủ mạng và nhà thuê mạng trong việc chồng lấn khách hàng, phân chia dịch vụ. Cần có trọng tài phân chia quyền lợi, phân khúc khách hàng rõ ràng”, ông Sơn nói.
Dù con số thuê bao thị trường điện thoại di động Việt Nam hiện đã xấp xỉ con số 100 triệu thuê bao nhưng số thuê bao trả trước chiếm khoảng 90%, theo báo cáo của BMI công bố trong quý 2/2009. Các chuyên gia về dịch vụ di động cho rằng, tỷ lệ thuê bao như vậy đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ sử dụng nhiều các dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin, khó có “đất” để phát triển các dịch vụ cao cấp chạy trên nền 3G như mong đợi của nhà cung cấp dịch vụ di động ảo. Về mặt lý thuyết, Đông Dương Telecom chỉ “sống tốt” nếu nhà mạng gốc có tỷ lệ thuê bao trả sau cao.
Gia Vinh

3G: Ai sẽ dẫn đầu về chất lượng?


Sau khi chính thức nhận giấy phép 3G, các mạng di động đều tập trung vào mục tiêu chất lượng tốt nhất để ghi điểm với những khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ. Ai có khả năng là nhà cung cấp dịch vụ 3G tốt nhất?

Theo các cam kết của hồ sơ thi tuyển 3G, VinaPhone sẽ là mạng di động cung cấp 3G đầu tiên (tháng 10.2009), tiếp đến là MobiFone (tháng 12.2009) và kế đến là Viettel (tháng 6.2009). Cũng theo đúng hồ sơ thi tuyển, mức cam kết của VinaPhone ở mức thấp nhấp, cao hơn là MobiFone và cao nhất là Viettel.
Với VinaPhone, việc phải cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên với thời gian chuẩn bị quá ngắn lại có trục trặc nho nhỏ về việc đấu thầu thiết bị, VinaPhone rất khó để trở thành người dẫn đầu về chất lượng trên thị trường 3G.
Tuy nhiên, "điểm son" của VinaPhone trong năm 2009 là: VinaPhone có tiến bộ lớn về kết quả đo kiểm chất lượng di động (Cục quản lý chất lượng - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố), và lần đầu tiên đạt chất lượng thoại của điện thoại cố định. Đây cũng có thể là một tín hiệu cho thấy VinaPhone có khả năng cung cấp dịch vụ 3G với chất lượng tốt.
Với MobiFone - mạng di động luôn dẫn đầu về chất lượng trên thị trường di động Việt Nam, các cam kết về đầu tư cũng như thời điểm cung cấp dịch vụ được các chuyên gia về viễn thông đánh giá ở mức vừa phải.
Với dự kiến phát sóng khoảng 2.400 trạm BTS 3G vào thời điểm khai trương, phủ sóng 3G tại toàn bộ các khu đô thị đông dân tại 63 tỉnh trên toàn quốc, MobiFone được đánh giá là có định hướng khách hàng tập trung nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia về viễn thông, với kinh nghiệm về phát triển thuê bao 3G trên thế giới, việc xác định một mức đầu tư ở mức hợp lý như MobiFone sẽ giúp nhà mạng đạt được hiệu quả cao nhất. Mức đầu tư hợp lý đảm bảo được 2 mục tiêu: không quá lớn để bị coi là lãng phí nhưng phải đủ lớn để đón đầu được nhu cầu phát triển của dịch vụ 3G.
Theo MobiFone, mức đầu tư này đã được các chuyên gia tư vấn quốc tế và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm của MobiFone cũng như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) nghiên cứu kỹ và đánh giá là hợp lý. "Trong trường hơp thị trường dịch vụ 3G có dấu hiệu đột biến thì MobiFone đã có phương án dự phòng cho việc tăng tốc đầu tư để thỏa mãn kịp thời các nhu cầu này", đại diện MobiFone cho biết.
Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư 3G của MobiFone là chất lượng. Theo cam kết của nhà mạng này, MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ 3G với chất lượng tốt nhất trên thị trường.
Theo nhận định chung của các chuyên gia viễn thông, mức đầu tư hợp lý, thời gian chuẩn bị cho nền tảng 3G từ nhiều năm trước đó là các nguyên nhân quan trọng giúp MobiFone có thể có được dịch vụ 3G tốt nhất.
Với việc đã triển khai Edge trên toàn mạng đầu tiên trong số các mạng di động (2006), thử nghiệm thành công dịch vụ 3G đầu tiên với các đối tác quốc tế, MobiFone là mạng di động có kinh nghiệm tiền 3G tốt nhất trong các nhà mạng.
Bên cạnh đó, MobiFone hiện cũng là mạng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng dịch vụ về mặt kỹ thuật. Cộng với các nhân tố phi kỹ thuật khác, hình ảnh về chất lượng số 1 của MobiFone luôn được củng cố hàng ngày trong tâm trí người tiêu dùng.
Xét về mặt công nghệ, các mạng di động đều sẽ triển khai các công nghệ tương tự nhau (công nghệ có thể mua dễ dàng). Tuy nhiên, khả năng triển khai và áp dụng công nghệ đó như thế nào mới là nhân tố quyết định chất lượng ra sao. Theo kinh nghiệm trước đó, MobiFone luôn là nhà mạng dẫn đầu trong việc triển khai nhanh và thành công nhất với các công nghệ mới.
Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, dù chưa thể dự báo chắc chắn về vị trí số 1 của chất lượng dịch vụ 3G nhưng MobiFone có nhiều ưu thế để có thể cung cấp dịch vụ 3G với chất lượng tốt nhất trên thị trường.
Với Viettel, theo cam kết trong hồ sơ thi tuyển, mạng di động này sẽ xây dựng một mạng 3G lớn nhất trong 3 năm đầu tiên với việc sẽ phát sóng tới 5.000 trạm BTS 3G vào thời điểm khai trương dịch vụ.
Trần Tuấn

Khi điện thoại không dây về xã vùng cao


(VnMedia) - Chưa có điện lưới, khi sạc pin điện thoại, 5-7 người sử dụng dịch vụ sắm chung nhau một cái máy nổ làm nguồn điện. Thế nhưng, trong xã đã có tới hơn 500 thuê bao Gphone. Đó là ấn tượng đầu tiên của phóng viên khi viết về dịch vụ Gphone ở Thiện Kỵ - một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn.

Đội bán hàng trung tâm IV đang giới thiệu dịch vụ viễn thông trong đó có Gphone tới bà con trong buổi chợ phiên. Ảnh: Thủy Nguyên
Cả làng có điện thoại Gphone!
Trước khi vào xã, làm việc với lãnh đạo huyện Hữu Lũng, Phó Chủ tịch huyện Đỗ Đức Thịnh cho biết, Thiện Kỵ là một trong số xã thuộc diện khó khăn 135 của huyện. Mặc dù sóng VinaPhone chỉ mới về Thiện Kỵ từ tháng 4/2009, nhưng số người sử dụng điện thoại ở đây lại rất ấn tượng. Riêng Thiện Kỵ có tới 500 thuê bao điện thoại Gphone trong khi toàn huyện Hữu Lũng có khoảng 3.000 thuê bao.
Ở đây, cả cột BTS của VinaPhone (do VNPT Lạng Sơn triển khai xây dựng) và Viettel đã được dựng lên nhưng chỉ có thể sử dụng dịch vụ của mạng VinaPhone còn Viettel chưa vận hành vì không có điện lưới. Để sóng di động VinaPhone có thể vào được vùng sâu, vùng xa này, VNPT Lạng Sơn đã đầu tư cho Thiện Kỵ một trạm BTS chạy bằng điện máy nổ và hệ thống pin mặt trời thay phiên nhau cung cấp điện 24/24.
Cụ bà Trần Thị Minh nhà ở thôn Gốc Sau, xã Thiện Kỵ cho biết, ngay khi Gphone được cung cấp, nhà cụ đã sử dụng dịch vụ này. “Tới giờ, gần như cả làng tôi sử dụng điện thoại này. Một tháng vài lần tôi gọi điện cho con làm ăn xa ở miền Nam, còn chủ yếu là nó gọi về. Chất lượng tốt lắm cô ạ” - cụ Minh nói.
Dân trong xã ngoài những người sống ở đây lâu đời còn có một phần lớn là người Kinh từ các tỉnh dưới xuôi lên lập nghiệp. Rồi từ Thiện Kỵ tỏa đi làm ăn xa, trong nam ngoài bắc đều có, đi học… Chính vì vậy, nhu cầu liên lạc với người thân là rất lớn. Thế nhưng, trước khi có dịch vụ Gphone, nếu muốn gọi một cuộc điện thoại là bà con ở Thiện Kỵ lại phải lặn lội đi quãng đường gần 30km ra tận trung tâm huyện mới thực hiện được.
Các em nhỏ Thiện Kỵ cũng rất quan tâm tới dịch vụ Gphone. ảnh: Thủy Nguyên.
Chính vì vậy, dịch vụ Gphone được VNPT Lạng Sơn mà cụ thể là Trung tâm IV triển khai, đã thực sự trở thành phương tiện liên lạc hữu hiệu cho bà con nơi đây. “Từ khi có phương tiện thông tin liên lạc là dịch vụ di động VinaPhone và nhất là Gphone này, tiện lắm. Chiếc điện thoại Gphone đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác sản xuất, chăn nuôi” - chị Vũ Thị Hoa - thôn Dân Tiến cho biết. Một tháng, nhà chị Hoa chi cho cái alô tới 300 ngàn đồng cho cước Gphone, một số tiền mà thiết nghĩ ngay cả người dân ở thành thị cũng không phải là nhỏ.
Doanh nghiệp nỗ lực phục vụ
Đi thực tế cùng đội bán hàng thuộc Trung tâm Viễn thông IV - VNPT Lạng Sơn mới thấy được những nỗ lực của người làm công tác phát triển dịch vụ viễn thông nơi đây.Gphone về Thiện Kỵ đã chứng minh được mục tiêu phát triển điện thoại cho người dân vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn kéo cáp phát triển mạng điện thoại cố định là rất hợp lý. Nhưng để giữ được số lượng thuê bao phát triển lâu dài, nhiều công tác chăm sóc khách hàng, phát triển dịch vụ đã được triển khai.
Giám đốc Trung tâm Viễn thông IV - VNPT Lạng Sơn, anh Phạm Quang Hùng cho biết, để phát triển dịch vụ cũng như phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân Thiện Kỵ nói riêng và địa bàn hai huyện Hữu Lũng, Chi Lăng thuộc địa bàn trung tâm quản lý nói chung, Trung tâm đã xây dựng hệ thống cộng tác viên bán hàng. Những cộng tác viên này được lựa chọn là người của địa phương.
Các cộng tác viên “nằm vùng” này vừa thông thuộc nếp sống với bà con làng xã lại là người có uy tín, được sự tin tưởng không chỉ bán hàng, phát triển dịch vụ mà còn thu cước, rồi giúp giải quyết những trục trặc trong quá trình sử dụng. Do đã được tập huấn đầy đủ, nên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về dịch vụ những cộng tác viên nắm rất chắc. Còn với những trục trặc lớn hơn về máy móc, thiết bị, cộng tác viên sẽ có trách nhiệm liên lạc và nhận lại từ người sử dụng rồi đưa về Trung tâm xử lý.
Tuy nhiên, ngoài đội ngũ cộng tác viên nằm vùng này, đội bán hàng của Trung tâm IV cũng đi đến từng địa bàn để tìm hiểu nhu cầu người dân, giới thiệu, phát triển thêm các dịch vụ mới. Ở vùng cao, chợ họp theo phiên. Khi đó người dân tập trung đến rất đông. Nắm bắt đặc điểm này, cứ mỗi phiên chợ xã, đội bán hàng lại lập kiốt di động phục vụ bà con.
“Những lúc như thế, hiệu quả lắm chị ạ. Bà con tập trung đông, chúng tôi giới thiệu được rất nhiều thông tin về các dịch vụ viễn thông mới cho bà con. Rồi thực hiện công tác chăm sóc khách hàng như đổi máy, sửa chữa các hỏng hóc, trả lời những thắc mắc của bà con xung quanh việc sử dụng dịch vụ…” .
“Tới ngày 2/9 này, Thiện Kỵ mới có điện lưới. Có điện, chắc chắn kinh tế, đời sống tinh thần của người dân Thiện Kỵ sẽ có nhiều chuyển biến. Và nhu cầu liên lạc bằng điện thoại cũng sẽ tăng. Nhưng khi ấy, chắc chắn ở Thiện Kỵ sẽ không chỉ có VNPT Lạng Sơn cung cấp dịch vụ mà chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác nữa. Với thị phần đã có, cùng nỗ lực chăm sóc khách hàng, thường xuyên theo sát, tìm hiểu nhu cầu của người dân mà trung tâm triển khai, tin rằng, bà con sẽ vẫn lựa chọn dịch vụ tiện ích của VinaPhone, của VNPT chúng tôi” - Giám đốc Trung tâm Viễn thông IV chia sẻ.

Nhà mạng đua nhau chăm sóc khách hàng: “Thượng đế” được lợi


NDĐT - Khi thị phần trên thị trường di động xem như đã có vẻ bão hòa, thì việc thu hút và giữ chân người dùng bằng chất lượng và những chiến dịch chăm sóc khách hàng đang được nhà mạng quan tâm hàng đầu.

Nhà mạng chuyển hướng
Theo ước tính, mặc dù chỉ chiếm khoảng 20% trong số người dùng di động đăng ký thuê bao trả sau, nhưng lợi nhuận họ mang lại cho các nhà mạng lại chiếm đến 80% doanh số. Thời gian qua, những người dùng thuê bao trả sau đã ngậm ngùi nhìn “cơn mưa” khuyến mãi mà các mạng dành cho thuê bao trả trước để tranh giành thị phần của nhau. Nhiều “thượng đế” ham rẻ thay đổi sim liên tục, từ sim Viettel sang Mobifone, rồi VinaPhone…, cứ thấy đâu có khuyến mãi lại chuyển mạng.
Đã không ít khách hàng sử dụng thuê bao trả sau phải chuyển sang trả trước để dùng cho rẻ hơn. Còn những khách hàng vẫn trung thành với thuê bao trả sau, như một thói quen không thay đổi, thì kêu than vì không được các nhà mạng chăm sóc đến…
Rồi khi cơ quan quản lý xiết chặt hơn, các chương trình khuyến mãi, giảm giá cước di động mà doanh nghiệp tung ra trong năm nay không còn được hút khách như trước. Theo đúng cam kết với Bộ Thông tin - Truyền thông, các mạng di động đang lựa chọn cuộc đua mới, triển khai nhiều chương trình chăm sóc khách hàng hấp dẫn, nhất là dành cho các thuê bao trả sau nhằm thu hút người dùng.
Ngay từ những ngày đầu năm, đại diện mạng di động VinaPhone đã khẳng định, năm 2009 sẽ là năm nhà mạng này cân bằng cả ba mục tiêu: chăm sóc khách hàng, chất lượng dịch vụ và giá cước. Để chứng minh cho quyết tâm này, VinaPhone bắt đầu một chiến dịch thực sự hướng tới khách hàng như các gói cước thông minh, tiết kiệm cho cả các thuê bao. Theo đúng cam kết, nhiều năm nay, công tác chăm sóc khách hàng luôn là mối quan tâm của toàn thể lãnh đạo và nhân viên VinaPhone. Điều thể hiện rõ nhất là hơn 1.500 nhân viên Call-Centre luôn túc trực 24/24 để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về dịch vụ, về cước. Đặc biệt, so với một số mạng di động khác tại Việt Nam, toàn bộ cuộc gọi đến số chăm sóc khách hàng 18001091 của VinaPhone đều đang được miễn cước.
Không chịu kém, mạng di động MobiFone cũng đã đưa ra một kế hoạch khá cụ thể. Với MobiFone, trong năm 2009, mạng tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các thuê bao trả trước để mở rộng hơn nữa diện chăm sóc khách hàng. MobiFone cũng sẽ mở rộng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức của hoạt động chăm sóc khách hàng với ngân sách cho hoạt động tăng tới 14-15% so với năm 2008.
Thuê bao trả sau sẽ được chăm sóc tốt hơn?
Mới đây, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty VinaPhone đã khẳng định rằng, chiến lược quan trọng của VinaPhone trong năm 2009 là tập trung chăm sóc tối đa các thuê bao trả sau. Ông Vinh cũng công nhận, thời gian vừa qua, VinaPhone cũng như một số nhà mạng khác đã mải mê tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút các thuê bao trả trước mà quên chăm sóc một lượng lớn khách hàng ổn định và trung thành là các thuê bao trả sau.
Để thay đổi quan điểm này, gần đây nhất, VinaPhone đã công bố ra mắt gói cước thông minh và tiết kiệm Talk 24 dành cho các thuê bao trả sau của mạng mình. Và trong tháng 8 này, Vinphone cũng đã liên tiếp tung ra các chương trình chăm sóc khách hàng. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, VinaPhone đã tung ra chương trình khách hàng thân thiết - Care Plus dành cho tất cả các thuê bao đang sử dụng các dịch vụ của Vinaphone. Với chương trình này, VinaPhone là mạng di động đầu tiên triển khai chương trình khách hàng thân thiết cho cả thuê bao trả trước và thuê bao trả sau bằng hình thức tích lũy điểm theo thời gian sử dụng, cước phát sinh, gói cước đăng ký hoặc giá trị thẻ nạp khách hàng. Theo chu kỳ sáu tháng, căn cứ vào số điểm tích lũy các hội viên được xếp hạng Kim cương, Vàng, Titan, Bạc hoặc Thân thiết và được nhận nhiều ưu đãi ngay khi trở thành hội viên, như: quy đổi điểm thành tiền trừ vào hóa đơn cước hoặc tiền nạp vào tài khoản của hội viên.
Dịch vụ "Viettel Privilege" của Viettel cũng tương tự như vậy, đều hướng tới khách hàng thân thiết là thuê bao trả sau. Tất cả các khách hàng đang sử dụng dịch vụ di động của Viettel sẽ được tích lũy điểm để xếp hạng hội viên và được hưởng ưu đãi. Không chỉ tiến hành các chương trình thường xuyên, các mạng di động còn tiến hành các chương trình chăm sóc khách hàng bổ sung đặc biệt đối với các thuê bao có cước cao, thuê bao lâu năm… như việc tổ chức giải Golf, bốc thăm trúng thưởng xe hơi xịn (những khách hàng cước cao sẽ có nhiều số bốc thăm), hội nghị khách hàng VIP…
Tính đến thời điểm này, so với các mạng khác, chương trình chăm sóc khách hàng trả sau của Vinaphone đang được đánh giá cao. Mạng này vừa tung ra chương trình chăm sóc khách hàng là thuê bao Vinaphone trả sau có mức cước phát sinh bình quân hàng tháng, liên tục 5 tháng đầu năm 2009 từ 5 triệu đồng trở lên. Những đối tượng khách hàng này sẽ được VinaPhone gửi thư ngỏ cám ơn và kèm quà tặng là thoại di động hiệu Nokia E71. Động thái này tuy rằng, mới chỉ nhắm tới lượng khách hàng trả sau với hóa đơn VIP, nhưng được coi là viên gạch đầu tiên xây dựng chương trình chăm sóc khách hàng và hậu mãi theo đúng nghĩa “khách hàng là thượng đế”.
Cũng từ tháng 8, VinaPhone chính thức triển khai chương trình chúc mừng sinh nhật cho các khách hàng là thuê bao trả sau. Toàn bộ những khách hàng là cá nhân đăng ký và sử dụng thuê bao trả sau của VinaPhone sẽ được nhận được tin nhắn chúc mừng và quà tặng vào ngày sinh nhật. Quà tặng chúc mừng sinh nhật tùy theo mức cước sử dụng hàng tháng của khách hàng. Ngoài ra khách hàng có thể được hưởng thêm các ưu đãi khác về cước phí trong ngày sinh nhật.
Cuộc đua giảm cước, tặng % vào tài khoản thẻ, bán sim khuyến mãi… vẫn chưa dừng, khi những đối thủ mới như Vietnamobile, Beeline và sắp tới là Đông Dương Telecom đang bước chân vào thị trường với những khuyến mãi hấp dẫn. Nhưng chỉ khi nhà mạng biết chăm sóc những khách hàng đang trung thành của mình, thì họ sẽ không để mất đi những những thứ đã thuộc về mình. Cuộc đua chăm sóc khách hàng của các nhà mạng xem ra sẽ là cuộc đua lâu dài nhất. Về phía “thượng đế” của các nhà mạng, trong trường hợp này, họ sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
THU HẰNG

Đã sát khuẩn tòa nhà Pacific Place


KTĐT - Hôm qua, TTYT dự phòng TP xác nhận, một nhân viên đang làm việc tại tòa nhà Pacific Place ở 83B, Lý Thường Kiệt dương tính với cúm A/H1N1. Được biết, nhân viên này làm việc tại tầng 8 của tòa nhà.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TTYT quận Hoàn Kiếm đã khoanh vùng, dập dịch, phun thuốc sát khuẩn và xử lý y tế toàn bộ tầng 8 của tòa nhà. Nhân viên làm việc cùng người bị nhiễm cúm hiện đang tự cách ly tại nhà riêng. Mọi hoạt động tại tòa nhà vẫn diễn ra bình thường sau khi được phun thuốc khử trùng.
Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera.
H.Tr

Hàn sắt bị điện giật chết


Ngày 20/8/2009, tại công trường cầu Ba Càng, ấp Phú Trường, xã Song Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) xảy ra một vụ điện giật chết một công nhân đang làm việc tại công trường này.

Công nhân bị điện giật tên Hoàng Trung Thành, 26 tuổi, ngụ tại Phú Trường, Song Phú, Tam Bình, Vĩnh Long, đang làm thợ hàn tại công trường xây dựng cầu Ba Càng.
Theo một số người dân ở khu vực xảy ra sự cố, khoảng gần 10h sáng 20/8/2009, anh Hoàng Trung Thành đang hàn sắt thì bị điện giật.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhiều công nhân có mặt tại hiện trường đã nhanh chóng làm các động tác hô hấp nhân tạo để sơ cấp cứu nạn nhân.
Y sĩ Nguyễn Thị Sáu, cán bộ trực Trạm Y tế xã Song Phú – người tham gia cấp cứu người bị nạn cho biết: Sau một thời gian hô hấp nhân tạo, xoa bóp mạnh lồng ngực, người bị nạn có mạch đập trở lại nhưng rất yếu và không đều. Đơn vị thi công và công an có mặt tại hiện trường đã đưa Bệnh nhân chuyển ngay về Bệnh viện đa khoa cấp cứu.
Chiều ngày 20/8/2009, bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long cho biết: Do đường xa, thiếu phương tiện cấp cứu tại chỗ và sau hơn 40 phút xảy ra sự cố bệnh nhân mới về đến bệnh viện, bệnh nhân đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện.
P.T. Bình

Tòa nhà Pacific nhiễm cúm A/H1N1


Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera.

Ngày 19/8, Tòa nhà Pacific Place (số 83B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) phát hiện một nhân viên dương tính với virus cúm A/H1N1. Người nhiễm cúm A/H1N1 hiện đang làm việc tại tầng 8.
Sáng 20/8, thông tin này đã được thông báo đến toàn bộ những người đang có mặt tại tòa nhà và đơn vị chức năng phun thuốc khử trùng và xử lý y tế toàn bộ khu vực tầng 8.
Nhiều người chưa biết ở đây có bệnh nhân cúm vẫn đến giao dịch, nhưng khi đến cửa vào đều được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt, phát khẩu trang phòng cúm và sử dụng nước sát khuẩn được đặt ngay trên bàn lễ tân.
Tòa nhà Pacific có 19 tầng với nhiều văn phòng làm việc, nhiều căn hộ chung cư cao cấp, ở ngay cạnh các tòa nhà, khách sạn, cơ quan lớn. Toàn bộ 8 nhân viên làm việc cùng người nhiễm cúm hiện đang tự cách ly tại nhà riêng. Riêng điều hòa của tầng 8 đã được ngắt hoàn toàn.
(Theo VNN)

Bỏ rơi thuê bao trả sau


Người dùng thuê bao điện thoại di động trả sau đang rất bức xúc đòi hỏi các nhà mạng phải đối xử công bằng so với thuê bao trả trước. Thông báo quyền lợi với thuê bao trả sau của MobiFone được dán tại một điểm giao dịch ở TP.HCM. Quyền lợi không hấp dẫn bằng thuê bao trả trước nên khách hàng không quan tâm nhiều - Ảnh: GIA TIẾN

Cuộc chạy đua giành thị phần quyết liệt giữa các mạng di động hiện nay khiến việc phát triển số lượng thuê bao trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Mải lo phát triển thị phần, các mạng lại bỏ quên việc chăm sóc khách hàng đã có của mình. Đặc biệt các thuê bảo trả sau vốn là những khách hàng sử dụng lâu dài, đem lại nguồn thu ổn định cho nhà mạng.
Khách hàng Thiên Thi (TP.HCM) bức xúc kể: “Ngày 11-8, MobiFone nhắn tin thông báo tôi đã sử dụng tiền cước hơn 800.000 đồng và yêu cầu tôi thanh toán trước ngày 13-8. Đến 14-8, nhân viên MobiFone gọi điện cho tôi đòi thu cước phí. Tôi trả lời thời hạn nạp cước hằng tháng của tôi là ngày 20 như trong hợp đồng, vào đúng ngày đó tôi sẽ thanh toán vì hiện giờ tôi đang bận công việc. Đến sáng 15-8, thuê bao của tôi bị khóa chiều đi”. Chị Thi cho biết công việc của chị phải dùng điện thoại liên tục để trao đổi với khách hàng. Việc không thể gọi và nhắn tin ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chị.
“Mặc dù tôi là khách hàng VIP (mỗi tháng xài trên 500.000 đồng) và chưa bao giờ trễ hạn thanh toán cước nhưng vẫn bị họ đối xử quá tệ!”, chị Thi nói.
Việc các mạng thu tiền cước trước thời hạn thanh toán hằng tháng khiến nhiều người dùng rất khó chịu. Chị Ngọc Diệp, nhân viên văn phòng, cho biết chị phải thường xuyên đi đóng tiền cước cho sếp nhưng “bực nhất là có tháng phải đi đóng đến hai lần. Vì khi sử dụng đến một hạn cước lớn, nhà mạng lại khóa chiều đi. Mình phải gấp rút đi đóng tiền. Rồi đến hạn thanh toán hằng tháng lại phải đi đóng lần nữa, rất phiền phức”.
Trường hợp khách hàng Hồng Thành, thuê bao trả sau của mạng VinaPhone, bị khóa cả hai chiều chỉ vì đóng tiền trễ mặc dù đã là khách hàng lâu năm.
Anh Thành kể lại: “Vừa rồi tôi phải đi công tác ra Hà Nội đúng vào thời hạn thanh toán cước hằng tháng nên không biết phải đóng tiền ở đâu, thế là bị nhà mạng cho ò í e ngay lúc đang rất cần để liên lạc làm việc. Tôi rất bực mình việc thanh toán trễ mà bị khóa luôn cả hai chiều, họ có thể khóa một chiều là được rồi. Khóa hai chiều khác gì đuổi khách hàng. Biết vậy tôi dùng trả trước khỏe hơn nhiều, dù hết tiền vẫn còn thời hạn để nghe chứ không bị khóa câm như thế này”.
Một khách hàng phân tích: “Nhà mạng giải thích phải thu cước sớm vì sợ người sử dụng không thanh toán. Nhưng thực tế, khi làm hợp đồng trả sau, người dùng đều phải có những giấy tờ cần thiết như giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, địa chỉ thanh toán... mới đăng ký được. Các yêu cầu ràng buộc hợp đồng đều do nhà mạng soạn ra, đương nhiên họ phải biết cách làm sao để cước thu không bị thất thoát”.
Một chuyên gia về mạng viễn thông tiết lộ: “Ở hầu hết các mạng, số lượng thuê bao trả trước chiếm hơn 90% tổng thuê bao di động, đây là nguồn lực chính trong việc phát triển thị phần của các mạng. Kèm theo đó, đương nhiên nhà mạng phải có những chính sách ưu tiên để đẩy mạnh việc phát triển thuê bao trả trước”. Có lẽ vì vậy mà người sử dụng liên tục thấy những cuộc đua khuyến mãi tặng tiền khi nạp vào tài khoản của các mạng di động chủ yếu chỉ dành cho thuê bao trả trước.
Anh Ngọc Khoa, một khách hàng thân thiết của Viettel, chia sẻ: “Tôi thấy chạnh lòng khi so sánh với thuê bao trả trước. Các mạng đua nhau khuyến mãi rầm rộ cho thuê bao trả trước mà chẳng thấy gì cho thuê bao trả sau cả. Nếu có nhiều lắm cũng mới chỉ được một vài lần với số tiền khuyến mãi chưa đến 100.000 đồng”. Khách hàng Đình Toản cũng thắc mắc: “Tôi dùng trả sau của MobiFone, xài khá nhiều mà sao khuyến mãi rất ít. Như chương trình cộng điểm thưởng nghe có vẻ rất lớn nhưng tính trung bình nếu tháng xài 500.000 đồng được tặng 5 điểm tích lũy. Đủ 50 điểm mới được chuyển thành tiền khuyến mãi là 300.000 đồng (1 điểm = 6.000 đồng). Người dùng phải xài bao lâu mới tích lũy được 50 điểm?”.
Trước tình trạng các nhà mạng đua khuyến mãi cho các thuê bao trả trước hiện nay, nhiều thuê bao trả sau đã tính đến chuyện rời bỏ vai trò “khách hàng trung thành”. Chị Kim Chi là thuê bao trả sau của Viettel đã được ba năm nhưng “không hề được nhà mạng chăm sóc, suốt cả năm chỉ được một, hai chương trình khuyến mãi mà chỉ được mười mấy ngàn đồng. Tôi sẽ chuyển sang trả trước vì đang có rất nhiều khuyến mãi”.
(Theo Tuổi trẻ online)

Mạng di động thứ 8 tại Việt Nam ra mắt


(Dân trí) - Chiều 19/8, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Khác với 7 mạng di động trước, Đông Dương Telecom không được cấp tần số riêng.

Sau khi được cấp phép, Đông Dương Telecom được chia sẻ sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Vietel) và được chuyển vùng trong nước (roaming) với các mạng di động mặt đất công nghệ GSM (2G, 2,5G) cho khách hàng tại Việt Nam và nước ngoài.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng.

Tai lễ trao giấy phép cho Đông Dương Telecom, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, theo cam kết gia nhập WTO cũng như quy định trong dự thảo Luật Viễn thông dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới, Bộ TT-TT sẽ không hạn chế cấp giấy phép cho các doanh nghiệp vào thị trường viễn thông nếu đủ điều kiện.

“Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam. Hiện ngoài Đông Dương Telecom, VTC cũng vừa nộp đơn lên Bộ xin cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức này” - Thứ trưởng Thắng cho biết.

Trước câu hỏi Việt Nam đã có 8 mạng di động và có thể sẽ nhiều hơn liệu có rơi vào cảnh “bội thực” (Trung Quốc hiện chỉ có 6 mạng di động)? ông Thắng cho rằng: Việt Nam đang ở giai đoạn đầu mở cửa viễn thông. Quá trình cạnh tranh không loại trừ sẽ có những doanh nghiệp thất bại trên thị trường.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT-TT sẽ bảo đảm cho việc quy hoạch các băng tần, tài nguyên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để làm sao cho hạ tầng viễn thông được phát triển một cách bền vững nhất.

Về phía nhà mạng mới, ông Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch HĐQT Đông Dương Telecom cho biết, mạng này sẽ tham gia trên thị trường cuối 2009 hoặc đầu 2010. Hiện đầu số của với mạng mới vẫn chưa được tiết lộ.

Thanh Trầm


Cấp giấy phép cho mạng di động thứ tám ở Việt Nam


Ngày 19.8, Bộ Thông tin Truyền thông trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Cty Đông Dương Telecom. Đây là mạng di động thứ tám được cấp phép ở thị trường viễn thông Việt Nam.

Đông Dương Telecom không được cấp tần số, nhưng được phép thuê hạ tầng mạng và như tần số của DN khác để triển khai dịch vụ và bán sản phẩm của mình. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại VN.
Sau khi đàm phán, Đông Dương Telecom được phép sử dụng chung mạng 3G với Viettel và được chuyển vùng trong nước với các mạng di động GSM khác. Theo kế hoạch, quý I/2010, mạng di động này sẽ được cung cấp dịch vụ ra thị trường.
A.X

Cấp phép mạng di động 'ảo' đầu tiên


Việt Nam có thêm mạng di động thứ tám với tên gọi Indochina. Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ di động được Bộ Thông tin và Truyền thông trao cho Công ty cổ phần Đông Dương (Indochina Telecom) chiều qua.

Khác với 7 nhà cung cấp đang hoạt động, Indochina được thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ mà không có tần số vô tuyến điện. Nghĩa là hãng chỉ có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để dùng chung hạ tầng và kinh doanh dịch vụ.
Cụ thể, Indochina Telecom được phép chia sẻ, sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng công ty Viễn thông Quân đội và được chuyển vùng trong nước với các mạng di động viễn thông di động mặt đất công nghệ GSM cho các khách hàng.
Trao đổi với báo giới sau buổi lễ nhận giấy phép, ông Phạm Danh Tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Indochina Telecom, cho hay công ty sẽ chuẩn bị các điều kiện để cung cấp dịch vụ vào quý I/2010.
Đây là doanh nghiệp thứ tám tại Việt Nam kinh doanh dịch vụ di động bên cạnh VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline.
Hồng Anh

MobiFone lại tặng đến 130% giá trị thẻ nạp


ICTnews - Từ ngày 19 - 21/08/2009, tất cả các thuê bao trả trước (gồm cả thuê bao đang hoạt động, khóa 1 chiều, khóa 2 chiều) của MobiFone nạp tiền sẽ được hưởng khuyến mãi đến 130%.

Cụ thể nếu khách hàng nạp thẻ mệnh giá 10.000 đồng - 30.000 đồng sẽ được tặng 50% giá trị thẻ nạp. Nếu khách hàng nạp tiền mệnh giá từ 50.000 đồng - 500.000 đồng sẽ được 130% mệnh giá trị thẻ nạp.
Các thuê bao trả trước khác đang hưởng khuyến mại dành cho thuê bao trả trước hòa mạng mới (khuyến mại nạp tiền lần 1,2,3,4 và 5), nếu nạp thẻ mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên thì sẽ được hưởng khuyến mại theo mức khuyến mại của chương trình này khi nạp tiền trong thời gian thực hiện chương trình.
Toàn bộ số tiền khuyến mãi sẽ được chuyển vào tài khoản thưởng của khách hàng. Trong thời gian gần đây, cả 3 mạng di động là MobiFone, VinaPhone và Viettel liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi tặng đến 130% giá trị thẻ nạp cho khách hàng.

Viettel chào đón tân sinh viên trong năm học mới


Cùng chung vui với các thí sinh đỗ Đại học trong kỳ thi vừa qua, từ ngày 15/8/2009, Viettel khởi động chương trình “Chào đón tân sinh viên” trên phạm vi toàn quốc.

Cùng chung vui với các thí sinh đỗ Đại học trong kỳ thi vừa qua, từ ngày 15/8/2009, Công ty Viễn thông Viettel khởi động chương trình “Chào đón tân sinh viên” trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, cùng với thư chúc mừng gửi tới tận tay các tân sinh viên, Viettel dành tặng 300.000 bộ Student Sim được thiết kế đặc biệt với nhiều ưu đãi kèm theo trong suốt quá trình học tập.
Viettel cùng chào đón tân sinh viên và các thủ khoa trên cả nước.
Bên cạnh đó, chương trình “Chào đón tân sinh viên” của Viettel còn tặng hơn 1.300 suất quà với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho các bạn sinh viên đỗ thủ khoa của 271 trường đại học trên cả nước. Mỗi trường sẽ có 5 sinh viên được vinh dự nhận món quà này.
Ngoài ra, mỗi tân sinh viên còn có cơ hội sở hữu một máy điện thoại của các hãng nổi tiếng được Viettel cung cấp với giá ưu đãi tại các hệ thống cửa hàng của Viettel trên toàn quốc (chi tiết tại http://vio.com.vn).
Đầu năm học 2008, Viettel đã triển khai chương trình “Vui đến giảng đường, mừng tương lai tươi sáng” cho các tân sinh viên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Từ chương trình này, khoảng 300.000 tân sinh viên đã được hỗ trợ để sử dụng dịch vụ viễn thông cho các hoạt động học tập và sinh hoạt.
Tiếp nối thành công của chương trình này, chương trình “Viettel chia sẻ thời sinh viên cùng bạn” được khởi động vào cuối năm 2008 và thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Không dừng lại ở các chương trình hỗ trợ riêng lẻ, từ ngày 1/6/2009, Viettel chính thức “khai sinh” bộ hòa mạng mang tên Student Sim, được thiết kế chuyên biệt cho sinh viên với mức cước thoại, nhắn tin rẻ nhất trong số các gói cước trả trước của Viettel (Cước gọi: 1390 đồng/ phút nội mạng, 1590 đồng/ phút gọi ngoại mạng. Cước phí tin nhắn SMS 200đ/tin nội mạng, 250đ/tin ngoại mạng, cước tin nhắn MMS là 500đ/cho một bản tin) và không giới hạn thời gian sử dụng.
Ngoài ra, mỗi năm Viettel tặng mỗi sinh viên 300.000 đồng vào tài khoản (mỗi tháng 25.000đ) để tiện liên lạc với người thân, bạn bè trong suốt quãng đời sinh viên. Sử dụng gói cước này, sinh viên được đăng ký tự động gói Data để truy cập Internet với 30Mb dung lượng miễn phí hàng tháng, trị giá 25.000 đồng.
Sau khi ra trường các bạn sinh viên vẫn được giữ lại số liên lạc nhưng hệ thống sẽ tự động chuyển thành gói cước trả trước Tomato và cho phép chuyển đổi sang các gói khác của Viettel.
Với hơn 1 triệu sinh viên đang sử dụng gói cước Student Sim, mỗi năm Viettel hỗ trợ ít nhất 600 tỷ đồng chi phí sử dụng dịch cho đối tượng này (tương đương 600.000đ/người/năm).
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết “Hiện nước ta có gần 3 triệu sinh viên Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Đây là lực lượng trí thức trẻ, có nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ cao nhưng phần lớn chưa tự chủ được về mặt tài chính”.
“Vì thế, gói cước Sinh viên được Viettel thiết kế như một chương trình hỗ trợ đặc biệt, dài hơi cho thế hệ tương lai của đất nước. Món quà nhỏ này sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng kết nối, liên lạc, chia sẻ với những người thân yêu mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Đó cũng là cách để Viettel luôn luôn sát cánh và đồng hành cùng sinh viên Việt Nam”.
Để sử dụng gói cước, các bạn tân sinh viên mang Giấy báo nhập học và Chứng minh Nhân dân đến các cửa hàng của Viettel trên toàn quốc để hòa mạng. Tương tự, những bạn đang là sinh viên chưa sử dụng gói cước Student Sim cũng có thể hòa mạng tại các cửa hàng của Viettel khi xuất trình đầy đủ thẻ sinh viên và Chứng minh Nhân dân (bản gốc và bản phô tô).
Nguyên Vũ

Cấp phép mạng di động 'ảo' đầu tiên


Việt Nam có thêm mạng di động thứ tám với tên gọi Indochina. Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ di động được Bộ Thông tin và Truyền thông trao cho Công ty cổ phần Đông Dương (Indochina Telecom) chiều qua.


Khác với 7 nhà cung cấp đang hoạt động, Indochina được thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ mà không có tần số vô tuyến điện. Nghĩa là hãng chỉ có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để dùng chung hạ tầng và kinh doanh dịch vụ.
Cụ thể, Indochina Telecom được phép chia sẻ, sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng công ty Viễn thông Quân đội và được chuyển vùng trong nước với các mạng di động viễn thông di động mặt đất công nghệ GSM cho các khách hàng.
Trao đổi với báo giới sau buổi lễ nhận giấy phép, ông Phạm Danh Tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Indochina Telecom, cho hay công ty sẽ chuẩn bị các điều kiện để cung cấp dịch vụ vào quý I/2010.
Đây là doanh nghiệp thứ tám tại Việt Nam kinh doanh dịch vụ di động bên cạnh VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline.
Vnexpress

Thêm tòa nhà Pacific có người nhiễm cúm A/H1N1


(VietNamNet) – Sáng 20/8, tòa nhà Pacific (số 83B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên.

– Sáng 20/8, tòa nhà Pacific (số 83B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên.
Theo thông tin từ một số người làm việc tại đây, người nhiễm cúm A/H1N1 hiện đang làm việc tại tầng 8. Vào sáng 20/8, thông tin này đã được thông báo đến toàn bộ những người đang có mặt tại tòa nhà.
Nhân viên tòa nhà đang phát khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách và yêu cầu khách sử dụng nước sát khuẩn được đặt sẵn trên bàn (Ảnh: Công Thanh)
Hiện tại, toàn bộ tòa nhà đang được cách ly, phun thuốc khử trùng và xử lý y tế. Nhân viên làm việc bên trong đều được về sớm.
Nhiều nhân viên tòa nhà đã về sớm. Khu vực này đang được cách ly (Ảnh: Cẩm Quyên)
Nhiều người chưa biết ở đây có bệnh nhân cúm vẫn đến giao dịch, nhưng khi đến cửa vào đều được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt, phát khẩu trang phòng cúm và sử dụng nước sát khuẩn được đặt ngay trên bàn lễ tân.
Nhân viên tòa nhà tỏ ra lo lắng khi dịch cúm xuất hiện (Ảnh: Công Thanh)
Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera.
Tòa nhà Pacific có 19 tầng với nhiều văn phòng làm việc, nhiều căn hộ chung cư cao cấp, nằm ngay cạnh các tòa nhà, khách sạn, cơ quan lớn.

Thêm tòa nhà Pacific tại Hà Nội có người nhiễm cúm A/H1N1


Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera


Ngày 19/8, Tòa nhà Pacific Place (số 83B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) phát hiện một nhân viên dương tính với virus cúm A/H1N1. Người nhiễm cúm A/H1N1 hiện đang làm việc tại tầng 8.
Sáng 20/8, thông tin này đã được thông báo đến toàn bộ những người đang có mặt tại tòa nhà và đơn vị chức năng phun thuốc khử trùng và xử lý y tế toàn bộ khu vực tầng 8.
Nhiều người chưa biết ở đây có bệnh nhân cúm vẫn đến giao dịch, nhưng khi đến cửa vào đều được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt, phát khẩu trang phòng cúm và sử dụng nước sát khuẩn được đặt ngay trên bàn lễ tân. Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera.
Tòa nhà Pacific có 19 tầng với nhiều văn phòng làm việc, nhiều căn hộ chung cư cao cấp, ở ngay cạnh các tòa nhà, khách sạn, cơ quan lớn. Toàn bộ 8 nhân viên làm việc cùng người nhiễm cúm hiện đang tự cách ly tại nhà riêng. Riêng điều hòa của tầng 8 đã được ngắt hoàn toàn./.
Vietnamnet

Hà Nội: Thêm tòa nhà Pacific có người nhiễm cúm A/H1N1


Sáng 20/8, tòa nhà Pacific (số 83B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên.

Bà Chu Minh Ngọc (Ban Giám đốc tòa nhà Pacific Place cho biết, 18h chiều qua (19/8), ban lãnh đạo tòa nhà nhận được thông tin một nhân viên của công ty thuê văn phòng trên tầng 8 dương tính với cúm A/H1N1, đang được cách ly điều trị tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Trung ương.
Người được xác định là dương tính với cúm A/H1N1 là anh Trần Văn M., cán bộ văn phòng 803 (khu văn phòng của Tòa nhà Pacific Place).
Ngay sau khi có sự việc trên, Ban lãnh đạo tòa nhà đã báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm.
Hiện tại, toàn bộ tòa nhà đang được cách ly, phun thuốc khử trùng và xử lý y tế. Nhân viên làm việc bên trong đều được về sớm.
Nhân viên tòa nhà Pacific đang phát khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách và yêu cầu khách sử dụng nước sát khuẩn được đặt sẵn trên bàn (Ảnh: Công Thanh-Vietnamnet)
Nhiều người chưa biết ở đây có bệnh nhân cúm vẫn đến giao dịch, nhưng khi đến cửa vào đều được nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt, phát khẩu trang phòng cúm và sử dụng nước sát khuẩn được đặt ngay trên bàn lễ tân.
Đây là tòa nhà thứ 3 ở Hà Nội có người nhiễm cúm, sau tòa nhà Viettel và tòa nhà Viglacera.
Tòa nhà Pacific có 19 tầng với nhiều văn phòng làm việc, nhiều căn hộ chung cư cao cấp, nằm ngay cạnh các tòa nhà, khách sạn, cơ quan lớn.
Toàn bộ 8 nhân viên làm việc cùng người đã nhiễm cúm hiện đang tự cách ly tại nhà riêng. Riêng điều hòa của tầng 8 đã được cắt hoàn toàn.
Ban quản lý tòa nhà Pacific đã có thông báo chính thức mọi hoạt động tại đây sẽ vẫn diễn ra bình thường sau khi khử trùng, không phong tỏa bởi toàn bộ những nơi có nguy cơ đều đã được phun thuốc, các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch vẫn phát huy hiệu quả.
Mặt khác, nơi có nhiều người qua lại và tất cả phòng vệ sinh đều được dán khuyến cáo về phòng dịch. Khuyến khích sử dụng cầu thang bộ thay vì sử dụng thang máy, cung cấp đường dây nóng của Ban quản lý tòa nhà

Hơn 1,3 tỷ đồng tặng các thủ khoa đại học, cao đẳng


(VOV) - Đó là món quà của Công ty Viễn thông Viettel dành tặng các sinh viên đỗ thủ khoa của 271 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Mỗi trường sẽ có 5 sinh viên được nhận món quà này


Công ty Viễn thông Viettel vừa khởi động chương trình “Chào đón tân sinh viên” trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, cùng với thư chúc mừng gửi tới tận tay các thí sinh vừa đỗ đại học, cao đẳng, Viettel dành tặng mỗi người 1 bộ Student Sim được thiết kế với nhiều ưu đãi kèm theo trong suốt quá trình học tập.
Chương trình này của Viettel cũng dành tặng 1.300 suất quà với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho các sinh viên đỗ thủ khoa của 271 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Mỗi trường sẽ có 5 sinh viên được nhận món quà này.
Bên cạnh đó, mỗi tân sinh viên còn có cơ hội sở hữu một máy điện thoại của các hãng nổi tiếng được Viettel cung cấp với giá ưu đãi tại các hệ thống cửa hàng của Viettel trên toàn quốc.
Trước đó, từ ngày 1/6/2009, Viettel chính thức đưa ra thị trường bộ hòa mạng mang tên Student Sim, được thiết kế chuyên biệt cho đối tượng sinh viên với mức cước thoại, nhắn tin rẻ nhất trong số các gói cước trả trước của Viettel. Sử dụng gói cước này, sinh viên được Viettel hỗ trợ 600.000 đồng/năm, bao gồm 300.000 đồng để gọi, nhắn tin và 300.000 đồng cước thuê bao gói dịch vụ Data để truy cập Internet./.

Đối tác của FPT cắt nhầm cáp của VNPT, Viettel, SPT


Sáng 18/8, nhân viên một đơn vị lạ đến cắt dây cáp của các đơn vị viễn thông trên cột điện thuộc tuyến đường Nguyễn Tri Phương (phường 9, quận 10, TP.HCM). Ngay sau đó, các đơn vị viễn thông gồm VNPT, FPT, Viettel, SPT được khách hàng thông báo về việc mất tín hiệu viễn thông nên đã cử đại diện đến hiện trường yêu cầu nhóm nhân viên đó dừng ngay việc cắt dây cáp. Dây cáp của các đơn vị viễn thông bị cắt chất đống trên vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Trần Định.

Đại diện các đơn vị viễn thông cho biết đơn vị mình không cử người tới cắt dây viễn thông trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương. Khi được Công an phường 9 (quận 10) hỏi, các nhân viên cắt dây viễn thông đã không xuất trình được phiếu công tác cắt dây. Nhân viên này cũng từ chối cho biết mình thuộc đơn vị nào. Đến khi được mời đến trụ sở công an phường làm việc, một nhân viên khai nhận làm việc cho một công ty đối tác được thuê để bảo trì, dọn dây viễn thông cho Công ty FPT.
Ông Hà Văn Phước, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty FPT (chi nhánh Kỳ Hòa), cho biết: “Việc đơn vị đối tác cắt dây viễn thông của các đơn vị viễn thông khác, chúng tôi cho là nhầm lẫn vì chính dây của FPT cũng bị cắt nhầm. Chúng tôi đã nhận phản hồi của ba khách hàng sử dụng dịch vụ bị mất tín hiệu. Chúng tôi sẽ làm việc lại với đơn vị đối tác để làm rõ nguyên nhân”. Theo đại diện Viettel, họ bị cắt khoảng 30 dây. Hiện chưa thống kê được số khách hàng bị ảnh hưởng. Các đơn vị viễn thông còn lại đang thống kê phản hồi của khách hàng.
Ông Lê Tuấn Việt, cán bộ kỹ thuật Điện lực Phú Thọ, cho biết theo kế hoạch, từ ngày 17/8 đến ngày 23/8 sẽ thực hiện việc chỉnh trang dây thông tin trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương (đoạn từ đường Ba Tháng Hai đến đường Bà Hạt). Bà Nguyễn Thị Liễu Thu, Phó Giám đốc Điện lực Phú Thọ, khẳng định việc cắt nhầm dây là lỗi của đơn vị đối tác của FPT chứ không phải nhân viên điện lực cắt.
Bà Thu cho biết theo Quyết định 184 của UBND TP.HCM về quy chế quản lý, sử dụng chung trụ điện, sau khi việc chỉnh trang trụ điện được thông báo tới các đơn vị để phối hợp thì điện lực sẽ cắt dây viễn thông. Việc dọn dẹp “mạng nhện” theo quy trình sau: Đánh dấu dây bằng các thẻ nhận dạng, những dây vô thừa nhận được để riêng, sau bảy ngày mới cắt bỏ. Bà Thu nói: “Tuy quy định như vậy, song vì ngành điện đã cho viễn thông thuê “nhà” thì mỗi đơn vị được dọn đồ trong “nhà” của mình nhưng đồ trong “nhà” của người khác thì không được phép dọn. Từ trước tới nay chưa xảy ra chuyện cắt nhầm dây như vậy. Chúng rôi sẽ xác định lại danh tính đối tác được FPT thuê bảo trì dây và mời các đơn vị viễn thông khác đến bàn về quy trình cắt dây phải thống nhất ra sao để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp khác”.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, khẳng định: “Về nguyên tắc, nếu một đơn vị đối tác được thuê mướn để cắt dây cho FPT thì họ được phép leo lên trụ điện cắt dây của chính đơn vị thuê mướn họ. Việc họ cắt nhầm dây mà thương lượng được biện pháp khắc phục với nhau thì Sở không có ý kiến. Tuy nhiên, nếu có thiệt hại lớn thì Sở phải chờ xem cụ thể như thế nào mới quyết định mức phạt đối với đơn vị cắt nhầm dây của doanh nghiệp khác”.
Theo Pháp Luật.

Chạy đua cung cấp dịch vụ 3G


Các doanh nghiệp có giấy phép 3G đã chính thức bước vào cuộc đua cung cấp dịch vụ đúng theo cam kết, mặc dù nỗi lo về nhu cầu của thị trường vẫn còn hiện hữu.

Bốn giấy phép 3G đã được chính thức trao tận tay 5 nhà khai thác, điều này cũng có nghĩa là các nhà khai thác phải nhanh chóng hoàn thành lời hứa đã ghi trong hồ sơ thi tuyển. Tất cả các nhà khai thác có giấy phép không bảo nhau, nhưng đều đồng thanh tuyên bố “sẽ cung cấp dịch vụ đúng theo cam kết”.

Theo kế hoạch, VinaPhone sẽ là mạng cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên (vào tháng này). Tuy nhiên, trong thông tin cung cấp cho báo giới mới đây, VinaPhone lại tuyên bố sẽ cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp dịch vụ 3G đúng theo cam kết, cụ thể là sau 3 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép. Nhà mạng này cho biết, khu vực được ưu tiên triển khai 3G trong thời gian đầu là các thành phố lớn, khu vực quan trọng (khu thương mại, khu công nghiệp...) và khu vực nông thôn (để triển khai băng rộng).

Còn dịch vụ 3G mà VinaPhone sẽ cung cấp bao gồm điện thoại truyền hình; nhắn tin đa phương tiện; truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu; xem phim trực tuyến; truyền dữ liệu... VinaPhone cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 3 năm cho mạng 3G, với 5 giai đoạn: giai đoạn I, phủ sóng 20% dân cư ngay sau khi khai trương dịch vụ; giai đoạn II, phủ sóng 50% dân cư sau 3 năm hoạt động; giai đoạn III, phủ sóng 75% dân cư sau 5 năm hoạt động; giai đoạn IV và V phủ sóng đến 90% dân cư sau 10 - 15 năm cung cấp dịch vụ.

Người anh em cùng “mẹ”, MobiFone, cam kết sau 3 tháng kể từ ngày chính thức nhận giấy phép sẽ phủ sóng 100% đô thị đông dân thuộc 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo đại diện của MobiFone, vào thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ, MobiFone sẽ hoàn thành việc lắp đặt và phát sóng 2.400 trạm BTS 3G, trong vòng 3 năm sẽ hoàn thành lắp đặt 7.700 trạm BTS 3G.

Chơi nổi hơn, nhà mạng này còn tuyên bố, sẽ ký kết thỏa thuận roaming mạng 3G của mình với ít nhất 50 mạng 3G khác trên thế giới tại thời điểm khai trương dịch vụ. MobiFone thực hiện phân chia các khu vực ưu tiên phủ sóng 3G làm 5 nhóm: đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và quốc lộ.

Trong năm đầu tiên, sẽ phủ sóng 3G 100% các khu vực đô thị đông dân thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau 3 năm sẽ hoàn thành phủ sóng đến khu vực ngoại ô và cuối năm thứ 5 kể từ thời điểm được cấp phép sẽ phủ sóng tiếp các khu vực còn lại, đồng thời mở rộng dung lượng cho những khu vực có lưu lượng cao.

Thận trọng hơn VinaPhone và MobiFone, Viettel và Liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom đều cùng tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ 3G sau 9 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép. Đại diện Viettel cho biết, tại thời điểm khai trương, dịch vụ Viettel sẽ phủ sóng tối thiểu 86,32% dân số, với 5.000 trạm BTS 3G; sau 3 năm cung cấp dịch vụ, sẽ phủ sóng 100% dân số, với 15.000 trạm BTS. Cũng theo vị đại diện này, triết lý kinh doanh của Viettel là “mạng lưới di trước, kinh doanh theo sau” và Viettel đã làm xong thủ tục mua 6.000 trạm BTS. Nhà mạng này dự kiến sẽ đầu tư 12.789 tỷ đồng cho mạng 3G trong 3 năm.

Trong khi đó, Liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom khá kín tiếng. Tại thời điểm này, Liên danh vẫn chưa phát đi thông tin chính thức nào về tiến độ triển khai mạng 3G của mình. Theo cam kết của EVN Telecom và Hanoi Telecom, năm đầu tiên sẽ đầu tư 2.500 trạm BTS và sau 3 năm sẽ có 5.000 trạm.

Mặc dù các doanh nghiệp đều cam kết sẽ cung cấp dịch vụ đúng hẹn, nhưng dường như vẫn còn những mối lo khá lớn. Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho biết, nếu không xem xét kỹ lưỡng, có thể giấy phép 3G sẽ làm doanh nghiệp sập tiệm, vì thế không thể triển khai ồ ạt, mà phải thực hiện theo nhu cầu của khách hàng.

Ông Xuân phân tích thêm rằng, mạng 2G xây dựng đến đâu có thể bán hết đến đấy, nhưng với 3G thì có thể mạng xây dựng xong, nhưng chưa bán được dịch vụ. Hơn nữa, nếu lập mạng 3G chỉ để phát triển dịch vụ thoại, thì sẽ không thể đấu lại được với 2G.


Khi các công ty lớn lên tiếng


Điều mà nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông mong đợi đã đến. Ba công ty lớn nhất trong ngành là Viettel, MobiFone, VinaPhone đã quyết định giảm cước xuống ngang mức khuyến mãi mà Beeline cung cấp, khi doanh nghiệp viễn thông non trẻ này ra mắt người tiêu dùng gói cước gây “sốc”.

Đầu tháng 8, ba mạng di động lớn nhất Việt Nam đều đồng loạt tăng mạnh giá trị khuyến mại cho các sim di động trả trước. Cụ thể, với bộ kit có mệnh giá 65.000 đồng, MobiFone và Viettel cùng tăng khuyến mại trong tài khoản từ mức 100.000 đồng lên 120.000 đồng. Với VinaPhone, tài khoản là 105.000 đồng cùng với 20 phút gọi và 50 SMS nội mạng miễn phí.
Với các mức khuyến mại trên, mức khuyến mại của MobiFone và Viettel bằng đúng với mức khuyến mại đối với sim của Beeline. Song song đó, ba mạng di động này cũng áp dụng một loạt chính sách ưu đãi đối với các thuê bao di động trả sau như tặng số phút gọi trong ngày, gửi quà tặng hoặc quay số trúng thưởng…
Nói các công ty lớn đã lên tiếng vì trước đây, mục này của Báo SGGP đã có bài viết “Tiếng nói của gà con”- biểu tượng của Beeline, nói rõ: Beeline muốn “cắn” vào một thị phần nhất định trong chiếc bánh của thị trường di động hiện nay (thị trường giá rẻ) với gói cước gây sốc, siêu rẻ… nên người tiêu dùng chờ VinaPhone, MobiFone, Viettel “hát bản đồng ca”… thì y như vậy, bản đồng ca đã được cất lên.
Rõ ràng, chưa đầy 1 tháng kể từ khi Beeline ra mắt thị trường (20-7), Viettel, MobiFone và VinaPhone đã có những thay đổi khá mạnh, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá cước và dịch vụ.
Điều này thể hiện khá rõ khi MobiFone, VinaPhone, Viettel giảm cước trung bình hơn 20%, giờ lại phải tăng khuyến mại 20% sim mới trả trước mới. Chưa hết, với thuê bao trả trước, từ ngày 19 đến 21-8, MobiFone tặng 130% giá trị thẻ nạp từ 50.000 đồng trở lên, tặng 50% cho mệnh giá còn lại…
Như vậy, khi các công ty lớn lên tiếng thì người tiêu dùng tiếp tục được thụ hưởng sản phẩm dịch vụ rẻ hơn. Trong trường hợp này, nếu Beeline không ra đời thì chắc gì người tiêu dùng được hưởng sản phẩm rẻ như các công ty lớn đã áp dụng nói trên.
Bá Tân

Viettel phát động chương trình “Chào đón tân sinh viên” năm 2009


QĐND Online - Tiếp nối thành công của chương trình “Vui đến giảng đường, mừng tương lai tươi sáng” năm 2008, từ ngày 15-8, Viettel đã khởi động chương trình “Chào đón tân sinh viên” năm 2009 trên phạm vi toàn quốc.


Theo đó, Viettel sẽ tặng 300.000 bộ Student Sim được thiết kế đặc biệt với nhiều ưu đãi kèm theo trong suốt quá trình học tập, tặng 1.300 suất quà với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho các bạn sinh viên đỗ thủ khoa của 271 trường đại học trên cả nước. Ngoài ra, mỗi tân sinh viên còn có cơ hội sở hữu một máy điện thoại của các hãng nổi tiếng được Viettel cung cấp với giá ưu đãi tại các hệ thống cửa hàng của Viettel trên toàn quốc (chi tiết xem tại http://vio.com.vn).
Để sử dụng gói cước trên, các bạn tân sinh viên mang Giấy báo nhập học và Chứng minh thư nhân dân đến các cửa hàng của Viettel trên toàn quốc để hòa mạng. Tương tự, những bạn đang là sinh viên chưa sử dụng gói cước Student Sim cũng có thể hòa mạng tại các cửa hàng của Viettel khi xuất trình đầy đủ thẻ sinh viên và Chứng minh thư nhân dân (bản gốc và bản phô tô).
Cùng với dự án kết nối mạng giáo dục tới gần 40.000 sở, ban ngành và các trường, trung tâm đào tạo ở mọi cấp bậc từ mầm non tới đại học đang được Viettel gấp rút hoàn thành trên cả nước. Chương trình “Chào đón tân sinh viên” năm 2009 Viettel đã chứng tỏ là doanh nghiệp luôn rất chú trọng đầu tư cho giáo dục.
Nguyên Phương

Nghệ thuật chăm sóc để...thượng đế bỏ đi


(VietNamNet) - Khởi đầu là một trục trặc nhỏ nhưng sau hàng chục cuộc điện thoại nhờ trợ giúp, khách hàng muốn quay lưng với nhà mạng.

- Khởi đầu là một trục trặc nho nhỏ trong sử dụng dịch vụ nhưng sau hàng chục cuộc điện thoại nhờ trợ giúp, khách hàng muốn quay lưng với nhà mạng.
Muốn rời mạng vì thất vọng với nhân viên tổng đài
Gọi điện đến đường dây nóng VietNamNet, anh Sang (098347xxxx) kể lại câu chuyện của mình bằng một giọng đều đều, rầu rĩ. Anh cho biết, anh đã sử dụng số Viettel này được vài năm và gần đây muốn đăng kí dịch vụ GPRS để tải nhạc chuông.
Vì không biết cách đăng kí dịch vụ nên anh gọi tổng đài để được hướng dẫn. Anh đã làm theo hướng dẫn hai lần để đăng kí gói cước D25 nhưng đều không thành công và bị trừ mất 50.000 đồng trong tài khoản. Anh chia sẻ cảm xúc thất vọng, hụt hẫng khi dường như những tổng đài viên tiếp nhận vấn đề của anh đều có vẻ miễn cưỡng và bất đắc dĩ.
Một tổng đài chăm sóc khách hàng của mạng Viettel. Ảnh: V.L
Cho rằng nhân viên nhà mạng không quan tâm tới khách hàng, đến cuộc gọi thứ 15, anh Sang đã hủy dịch vụ GPRS và đòi hủy luôn cả số thuê bao. Tuy nhiên, khi chia sẻ với phóng viên VietNamNet rằng, hiện tại anh đang tạm ngừng sử dụng số 098347xxxx, đã sử dụng một số thuê bao khác nhưng anh vẫn mong muốn nhà mạng Viettel lắng nghe câu chuyện của mình.
Còn chị Trúc Giang thì gửi đến VietNamNet một lá thư tràn trề thất vọng về mạng VinaPhone. Theo chương trình khuyến mại cộng 50.000 đồng và 30 ngày sử dụng vào tài khoản cho những thuê bao đăng kí thông tin trước ngày 5/6/2009, chị đã đi đăng ký cho thuê bao 091865xxxx của mình.
Đợi hàng tuần liền không thấy có khuyến mại, chị Giang gọi điện lên tổng đài và được danh số 5177 xác nhận thuê bao của chị nằm trong diện được khuyến mại. Tuy nhiên, danh số này không thể giải thích tại sao số thuê bao của chị chưa được khuyến mại và đề nghị chị chờ bộ phận hỗ trợ kĩ thuật trả lời.
Lại tiếp tục một tuần chờ đợi không hồi âm, chị lại tiếp tục gọi lên tổng đài, gặp một danh số khác nhưng câu trả lời vẫn tương tự như trước. Liên tục gọi vào đường dây nóng tại TP. HCM của VinaPhone nhưng khoảng 10 lần, chị Giang đều không thấy có người bắt máy. Cuối cùng, khi liên lạc được, nhân viên trực hotline đã hứa chắc chắn đến ngày 29/6 sẽ giải quyết dứt điểm cho chị nhưng đến 29/6, không thấy có ai liên lạc lại.
Chị Giang cho rằng: “Cách cư xử của VinaPhone chẳng khác nào xem thường khách hàng, không cần khách hàng".
Giữ chân thuê bao bằng chương trình chăm sóc sau khiếu nại
Phản hồi lại câu chuyện phiền não thất vọng vì thái độ của tổng đài viên của anh Sang, Viettel Telecom xác nhận trong ngày 08/07/2009 anh có gọi lên tổng đài 15 cuộc về việc nhờ hỗ trợ hướng dẫn đăng ký và sử dụng dịch vụ GPRS gói cước D25.
Nhà mạng khẳng định sau khi được tư vấn hướng dẫn các thao tác, anh Sang đã cài đặt thành công và sử dụng dịch vụ để đọc báo điện tử. Nhưng anh đã thao tác đăng ký dịch vụ GPRS 02 lần và bị trừ tổng cộng là 50.000đ.
Sau đó, anh có yêu cầu nhân viên tổng đài hướng dẫn thêm về dịch vụ tải bản nhạc chuông 1 bài hát. Khi tải bài hát này từ đường link đã được gửi vào máy thì hệ thống thông báo kết nối không được chấp nhận do đời máy không tương thích để sử dụng dịch vụ bài hát này.
Đại diện nhà mạng cũng khẳng định, trong quá trình tư vấn, hướng dẫn cài đặt sử dụng dịch vụ, các nhân viên tổng đài rất nhiệt tình. Trong cuộc gọi thứ 15, có thể là do dịch vụ tải bài hát không thành công khiến anh Sang bức xúc và có phản ứng gay gắt, đòi hủy số thuê bao mà nhân viên tổng đài trong cuộc gọi này chưa có đủ kỹ năng thuyết phục nên đã làm anh chưa hài lòng dẫn đến việc anh đã thao tác hủy dịch vụ GPRS trong cùng một ngày.
Viettel Telecom đã liên hệ lại với anh Sang để xin lỗi và ghi nhận những ý kiến đóng góp đối với tổng đài Viettel. Thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng, Viettel Telecom đã đề xuất phương án giảm trừ số tiền 50.000đ vào chu kỳ cước tháng 08/2009. Anh Sang chấp nhận đề xuất này và quay trở lại sử dụng thuê bao 098347xxxx.
Về khiếu nại của chị Trúc Giang, theo đại diện nhà mạng VinaPhone, việc cộng khuyến mại đã được thực hiện vào ngày 29/6 như đã hứa. Có thể chị Giang không kiểm tra lại tài khoản vào ngày đó nên không biết. Đại diện phòng chăm sóc khách hàng đã trực tiếp gọi điện cho chị Giang xin lỗi về việc chậm cộng khuyến mại và giải thích lý do tại thời điểm chị đăng kí, có nhiều thuê bao cùng truy nhập để thực hiện nên hệ thống cập nhật thiếu thuê bao của chị.