Mạng di động ký sinh


SGTT - Chiều ngày 19.8, bộ Thông tin và truyền thông trao giấy phép cho Đông Dương Telecom để thiết lập mạng dịch vụ thông tin di động không có tần số hay còn gọi là mạng di động ảo. Theo một nguồn tin, tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam – VTC cũng được phép thử nghiệm loại hình này.



Đông vui...
Với giấy phép này, Đông Dương Telecom là nhà cung cấp dịch vụ di động ảo đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Điểm khác biệt cơ bản giữa nhà mạng thứ tám này với bảy nhà mạng khác là họ không được cấp tần số và không phải đầu tư hạ tầng mạng. Giới chuyên môn cho biết, nhà mạng này tuy có đầu số nhưng chưa công bố vì đang thỏa thuận với các đối tác. Vì vậy, họ phải đàm phán với các nhà mạng khác để thuê sóng, thuê dung lượng kênh, thỏa thuận những dịch vụ được cung cấp, có được quyền phát triển thuê bao mới hay không, tỷ lệ thanh toán…
Theo một nguồn tin riêng, Đông Dương Telecom đã đề nghị với Viettel được thuê lại hạ tầng mạng 3G mà Viettel đang triển khai để cung cấp các dịch vụ viễn thông. Ngay sau khi nhận giấy phép, Đông Dương Telecom cho biết, họ sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, sử dụng internet di động để tạo nên sự khác biệt trên thị trường viễn thông. Nhà mạng này không tiết lộ gì về việc phát triển thuê bao mới.
Nhiều chuyên gia trong ngành viễn thông đánh giá, sự có mặt của nhà mạng mới về mặt lý thuyết là nâng cao chất lượng và cung cấp các dịch vụ mới trên thị trường di động.
... nên khó
Một chuyên gia trong ngành di động (đề nghị không nêu tên) bình luận: “Tôi cho rằng, họ không thể nào thuê được hạ tầng mạng 2G nên phải nhảy sang mạng 3G vì đây mới là mạng có đủ băng thông để cho Đông Dương Telecom vùng vẫy những dịch vụ mới để tạo sự khác biệt. Trên thực tế, còn quá nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi”. Theo chuyên gia này, trước hết, nhà di động mạng ảo phải thiết kế hệ thống điều hành, quản lý về cước, kết nối khách hàng, cung cấp dịch vụ phải tương thích với các nhà mạng mà họ thuê sóng, thuê hạ tầng.
Theo cách phân tích này, nhà mạng này chưa biết phải mua sắm thiết bị loại nào nếu chưa đàm phán xong với đối tác Viettel, vì trên nền công nghệ GSM, mỗi nhà mạng các tiêu chuẩn riêng.
Ông Hồ Hồng Sơn, giám đốc S-fone thú nhận rằng nhà cung cấp mạng CDMA này từng nghĩ tới hoạt động trên mạng ảo nhưng không thực hiện vì chưa có chính sách mang tính pháp lý. Một điều mà ông Sơn lo ngại là văn hóa hợp tác. “Tôi lo nhất là mâu thuẫn giữa nhà chủ mạng và nhà thuê mạng trong việc chồng lấn khách hàng, phân chia dịch vụ. Cần có trọng tài phân chia quyền lợi, phân khúc khách hàng rõ ràng”, ông Sơn nói.
Dù con số thuê bao thị trường điện thoại di động Việt Nam hiện đã xấp xỉ con số 100 triệu thuê bao nhưng số thuê bao trả trước chiếm khoảng 90%, theo báo cáo của BMI công bố trong quý 2/2009. Các chuyên gia về dịch vụ di động cho rằng, tỷ lệ thuê bao như vậy đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ sử dụng nhiều các dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin, khó có “đất” để phát triển các dịch vụ cao cấp chạy trên nền 3G như mong đợi của nhà cung cấp dịch vụ di động ảo. Về mặt lý thuyết, Đông Dương Telecom chỉ “sống tốt” nếu nhà mạng gốc có tỷ lệ thuê bao trả sau cao.
Gia Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét