Thị trường điện thoại di động Việt Nam: Thêm mạng, giá cước giảm đến đâu?
Với việc Đông Dương Telecom được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động, thị trường Việt Nam đã có tới 8 nhà khai thác. Chưa kể VTC đang xin phép, thì con số này vẫn được xem là đã quá nhiều đối với một thị trường như Việt Nam. Nhiều nhà cung cấp, liệu giá dịch vụ có rẻ hơn hiện nay nữa không?
Hiệu ứng “miễn phí nội mạng”
Theo như ông Phạm Thanh Tự – Chủ tịch HĐQT Đông Dương Telecom, trong quý 1-2010, mạng này sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường. Chưa rõ hiệu ứng của “mạng thứ 8” sẽ ra sao, nhưng rõ ràng cú ra mắt hoành tráng của mạng thứ 7 - Beeline với gói cước Big Zero hồi cuối tháng 7 vừa rồi đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của xã hội và đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, chưa bao giờ khái niệm “miễn phí nội mạng” lại hiện hữu đến thế. Thực ra trước Beeline, Vietnamobile đã áp dụng chính sách kiểu này, trước nữa là S-Fone. Tức là để được gọi miễn phí nội mạng, thuê bao chỉ cần bỏ ra một khoản phí không đáng kể. Hãy thử hình dung, với mạng Beeline, 2 số thuê bao 0199 ở Hà Nội và TPHCM gọi điện cho nhau 20 phút và cước phí cho cuộc gọi đó là 1.200 đồng (tính cước phút đầu tiên, miễn phí 19 phút). Quá rẻ, kể cả khi so với cách gọi đường dài VoIP.
Nhằm đáp trả chiêu “miễn phí nội mạng” và giữ chân khách hàng, các mạng di động lớn bắt đầu tung ra những biện pháp cần thiết. Từ đầu tháng 8, Viettel bắt đầu thực hiện chính sách gọi miễn phí nội mạng cho tất cả các thuê bao trả sau của mình. Theo đó, trong suốt tháng 8 này, các thuê bao trả sau của Viettel sẽ miễn phí từ 3-5 phút gọi nội mạng trong thời gian từ 6 đến 9 giờ sáng. Đây được xem là một động thái đối phó với trào lưu “miễn phí nội mạng” của một số mạng di động mới hiện nay. Chưa hết, sau một thời gian dài hạn chế khuyến mãi, từ đầu tháng 8 cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã “quay lại” với các thức khuyến mãi tặng ngay 100% (hoặc nhiều hơn) giá trị các thẻ nạp cho các thuê bao trả trước trong những khung thời gian nhất định; hoặc đối với những thuê bao mới hòa mạng. MobiFone và VinaPhone cho biết, cũng đang nghiên cứu để áp dụng biện pháp “khuyến mại nội mạng” hoặc “miễn phí nội mạng”, nhằm đối phó với trào lưu “miễn phí nội mạng” hiện nay.
Nỗi lo của các mạng lớn như Viettel và MobiFone, VinaPhone hiện nay là liệu những “lính mới” như Beeline, Vietnamobile và sắp tới là Đông Dương Telecom có “phá giá” thị trường hay không? Bởi chính 3 “ông lớn” này sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong cuộc chơi này. Những mạng nhỏ không có gì để mất, hoặc mất ít, được nhiều; trong khi các mạng lớn thì không được gì, được rất ít, hoặc mất rất nhiều trong cuộc đua giá cước này! Nghĩa là một mạng mới như Beeline sẽ phải lấy việc miễn phí gọi nội mạng và giá cước thấp để cạnh tranh và thu hút khách hàng; xem đó là lợi thế cạnh tranh của mình. Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể về vấn đề kinh doanh của mình, nhưng chắc chắn Đông Dương Telecom sẽ khó con đường nào khác ngoài những gì mà Beeline và Vietnamobile đã làm. Vấn đề là Đông Dương Telecom sẽ làm như thế nào và mức giá các dịch vụ bao nhiêu?
Giá thành có bị phá?
Về vấn đề giá thành cước di động ở thị trường Việt Nam hiện nay, mỗi mạng có một cách tính khác nhau và cũng không có mạng nào công bố cụ thể về con số này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, giá thành mỗi phút di động ở Việt Nam hiện nay dao động từ 700 - 1.000 đồng. Tùy theo mức độ đầu tư, lượng thuê bao, quá trình khai thác, vận hành, điều kiện kinh doanh,… mà mức giá thành mỗi mạng sẽ khác nhau. Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ TT-TT, thì giá cước di động Việt Nam hiện nay đã vào mức trung bình của khu vực và thế giới. Và cũng theo nhận định của Bộ TT-TT, với mức độ phát triển như hiện nay, vào năm 2015, giá cước di động Việt Nam sẽ nằm vào nhóm rẻ nhất thế giới!
Điều dễ dàng nhìn thấy hiện nay là các mạng di động lớn không muốn giảm cước nhiều thêm nữa. Trong khi đó các mạng mới lại phải sử dụng chiêu thức giảm cước (hoặc miễn phí nội mạng) để thu hút thuê bao. Tuy nhiên, kết cấu giá thành rất khó để có thể bị phá vỡ, bởi sự điều tiết khá chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này, trực tiếp là Bộ TT-TT. Lý do, tất cả các mạng di động của Việt Nam hiện nay là của Nhà nước như Viettel, VinaPhone, MobiFone, EVN Telecom (hoặc có vốn của Nhà nước đóng góp trong các liên danh như: Beeline, S-Fone, Vietnamobile), kể cả Đông Dương Telecom là công ty cổ phần, nhưng trong đó Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.
Mặt khác, dù đã giảm cước khá nhiều, nhưng vẫn chưa có mức giá của mạng nào “thủng sàn” giá thành (không tính việc khuyến mãi, hay miễn phí nội mạng). Xu hướng giảm cước là điều tất yếu của một thị trường phát triển, tuy nhiên có thể khẳng định sẽ không có giảm quá nhiều nữa. Bù lại đó, các mạng sẽ có những gói dịch vụ mới giá rẻ, phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Rõ ràng, việc tham gia thị trường của những mạng mới như Vietnamonbile và Beeline, đầu năm tới là của Đông Dương Telecom đã và sẽ khiến giá cước di động ngày càng giảm. Điều đó mang lại lợi ích nhiều cho khách hàng, nhất là đối với lớp khách hàng có thu nhập thấp, ở vùng nông thôn. Và đây cũng chính là “đích ngắm” của hầu hết các mạng di động hiện nay.
Trần Lưu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét