Chạy đua cung cấp dịch vụ 3G


Các doanh nghiệp có giấy phép 3G đã chính thức bước vào cuộc đua cung cấp dịch vụ đúng theo cam kết, mặc dù nỗi lo về nhu cầu của thị trường vẫn còn hiện hữu.

Bốn giấy phép 3G đã được chính thức trao tận tay 5 nhà khai thác, điều này cũng có nghĩa là các nhà khai thác phải nhanh chóng hoàn thành lời hứa đã ghi trong hồ sơ thi tuyển. Tất cả các nhà khai thác có giấy phép không bảo nhau, nhưng đều đồng thanh tuyên bố “sẽ cung cấp dịch vụ đúng theo cam kết”.

Theo kế hoạch, VinaPhone sẽ là mạng cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên (vào tháng này). Tuy nhiên, trong thông tin cung cấp cho báo giới mới đây, VinaPhone lại tuyên bố sẽ cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp dịch vụ 3G đúng theo cam kết, cụ thể là sau 3 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép. Nhà mạng này cho biết, khu vực được ưu tiên triển khai 3G trong thời gian đầu là các thành phố lớn, khu vực quan trọng (khu thương mại, khu công nghiệp...) và khu vực nông thôn (để triển khai băng rộng).

Còn dịch vụ 3G mà VinaPhone sẽ cung cấp bao gồm điện thoại truyền hình; nhắn tin đa phương tiện; truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu; xem phim trực tuyến; truyền dữ liệu... VinaPhone cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 3 năm cho mạng 3G, với 5 giai đoạn: giai đoạn I, phủ sóng 20% dân cư ngay sau khi khai trương dịch vụ; giai đoạn II, phủ sóng 50% dân cư sau 3 năm hoạt động; giai đoạn III, phủ sóng 75% dân cư sau 5 năm hoạt động; giai đoạn IV và V phủ sóng đến 90% dân cư sau 10 - 15 năm cung cấp dịch vụ.

Người anh em cùng “mẹ”, MobiFone, cam kết sau 3 tháng kể từ ngày chính thức nhận giấy phép sẽ phủ sóng 100% đô thị đông dân thuộc 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo đại diện của MobiFone, vào thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ, MobiFone sẽ hoàn thành việc lắp đặt và phát sóng 2.400 trạm BTS 3G, trong vòng 3 năm sẽ hoàn thành lắp đặt 7.700 trạm BTS 3G.

Chơi nổi hơn, nhà mạng này còn tuyên bố, sẽ ký kết thỏa thuận roaming mạng 3G của mình với ít nhất 50 mạng 3G khác trên thế giới tại thời điểm khai trương dịch vụ. MobiFone thực hiện phân chia các khu vực ưu tiên phủ sóng 3G làm 5 nhóm: đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và quốc lộ.

Trong năm đầu tiên, sẽ phủ sóng 3G 100% các khu vực đô thị đông dân thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau 3 năm sẽ hoàn thành phủ sóng đến khu vực ngoại ô và cuối năm thứ 5 kể từ thời điểm được cấp phép sẽ phủ sóng tiếp các khu vực còn lại, đồng thời mở rộng dung lượng cho những khu vực có lưu lượng cao.

Thận trọng hơn VinaPhone và MobiFone, Viettel và Liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom đều cùng tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ 3G sau 9 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép. Đại diện Viettel cho biết, tại thời điểm khai trương, dịch vụ Viettel sẽ phủ sóng tối thiểu 86,32% dân số, với 5.000 trạm BTS 3G; sau 3 năm cung cấp dịch vụ, sẽ phủ sóng 100% dân số, với 15.000 trạm BTS. Cũng theo vị đại diện này, triết lý kinh doanh của Viettel là “mạng lưới di trước, kinh doanh theo sau” và Viettel đã làm xong thủ tục mua 6.000 trạm BTS. Nhà mạng này dự kiến sẽ đầu tư 12.789 tỷ đồng cho mạng 3G trong 3 năm.

Trong khi đó, Liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom khá kín tiếng. Tại thời điểm này, Liên danh vẫn chưa phát đi thông tin chính thức nào về tiến độ triển khai mạng 3G của mình. Theo cam kết của EVN Telecom và Hanoi Telecom, năm đầu tiên sẽ đầu tư 2.500 trạm BTS và sau 3 năm sẽ có 5.000 trạm.

Mặc dù các doanh nghiệp đều cam kết sẽ cung cấp dịch vụ đúng hẹn, nhưng dường như vẫn còn những mối lo khá lớn. Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho biết, nếu không xem xét kỹ lưỡng, có thể giấy phép 3G sẽ làm doanh nghiệp sập tiệm, vì thế không thể triển khai ồ ạt, mà phải thực hiện theo nhu cầu của khách hàng.

Ông Xuân phân tích thêm rằng, mạng 2G xây dựng đến đâu có thể bán hết đến đấy, nhưng với 3G thì có thể mạng xây dựng xong, nhưng chưa bán được dịch vụ. Hơn nữa, nếu lập mạng 3G chỉ để phát triển dịch vụ thoại, thì sẽ không thể đấu lại được với 2G.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét