Khi điện thoại không dây về xã vùng cao


(VnMedia) - Chưa có điện lưới, khi sạc pin điện thoại, 5-7 người sử dụng dịch vụ sắm chung nhau một cái máy nổ làm nguồn điện. Thế nhưng, trong xã đã có tới hơn 500 thuê bao Gphone. Đó là ấn tượng đầu tiên của phóng viên khi viết về dịch vụ Gphone ở Thiện Kỵ - một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn.

Đội bán hàng trung tâm IV đang giới thiệu dịch vụ viễn thông trong đó có Gphone tới bà con trong buổi chợ phiên. Ảnh: Thủy Nguyên
Cả làng có điện thoại Gphone!
Trước khi vào xã, làm việc với lãnh đạo huyện Hữu Lũng, Phó Chủ tịch huyện Đỗ Đức Thịnh cho biết, Thiện Kỵ là một trong số xã thuộc diện khó khăn 135 của huyện. Mặc dù sóng VinaPhone chỉ mới về Thiện Kỵ từ tháng 4/2009, nhưng số người sử dụng điện thoại ở đây lại rất ấn tượng. Riêng Thiện Kỵ có tới 500 thuê bao điện thoại Gphone trong khi toàn huyện Hữu Lũng có khoảng 3.000 thuê bao.
Ở đây, cả cột BTS của VinaPhone (do VNPT Lạng Sơn triển khai xây dựng) và Viettel đã được dựng lên nhưng chỉ có thể sử dụng dịch vụ của mạng VinaPhone còn Viettel chưa vận hành vì không có điện lưới. Để sóng di động VinaPhone có thể vào được vùng sâu, vùng xa này, VNPT Lạng Sơn đã đầu tư cho Thiện Kỵ một trạm BTS chạy bằng điện máy nổ và hệ thống pin mặt trời thay phiên nhau cung cấp điện 24/24.
Cụ bà Trần Thị Minh nhà ở thôn Gốc Sau, xã Thiện Kỵ cho biết, ngay khi Gphone được cung cấp, nhà cụ đã sử dụng dịch vụ này. “Tới giờ, gần như cả làng tôi sử dụng điện thoại này. Một tháng vài lần tôi gọi điện cho con làm ăn xa ở miền Nam, còn chủ yếu là nó gọi về. Chất lượng tốt lắm cô ạ” - cụ Minh nói.
Dân trong xã ngoài những người sống ở đây lâu đời còn có một phần lớn là người Kinh từ các tỉnh dưới xuôi lên lập nghiệp. Rồi từ Thiện Kỵ tỏa đi làm ăn xa, trong nam ngoài bắc đều có, đi học… Chính vì vậy, nhu cầu liên lạc với người thân là rất lớn. Thế nhưng, trước khi có dịch vụ Gphone, nếu muốn gọi một cuộc điện thoại là bà con ở Thiện Kỵ lại phải lặn lội đi quãng đường gần 30km ra tận trung tâm huyện mới thực hiện được.
Các em nhỏ Thiện Kỵ cũng rất quan tâm tới dịch vụ Gphone. ảnh: Thủy Nguyên.
Chính vì vậy, dịch vụ Gphone được VNPT Lạng Sơn mà cụ thể là Trung tâm IV triển khai, đã thực sự trở thành phương tiện liên lạc hữu hiệu cho bà con nơi đây. “Từ khi có phương tiện thông tin liên lạc là dịch vụ di động VinaPhone và nhất là Gphone này, tiện lắm. Chiếc điện thoại Gphone đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác sản xuất, chăn nuôi” - chị Vũ Thị Hoa - thôn Dân Tiến cho biết. Một tháng, nhà chị Hoa chi cho cái alô tới 300 ngàn đồng cho cước Gphone, một số tiền mà thiết nghĩ ngay cả người dân ở thành thị cũng không phải là nhỏ.
Doanh nghiệp nỗ lực phục vụ
Đi thực tế cùng đội bán hàng thuộc Trung tâm Viễn thông IV - VNPT Lạng Sơn mới thấy được những nỗ lực của người làm công tác phát triển dịch vụ viễn thông nơi đây.Gphone về Thiện Kỵ đã chứng minh được mục tiêu phát triển điện thoại cho người dân vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn kéo cáp phát triển mạng điện thoại cố định là rất hợp lý. Nhưng để giữ được số lượng thuê bao phát triển lâu dài, nhiều công tác chăm sóc khách hàng, phát triển dịch vụ đã được triển khai.
Giám đốc Trung tâm Viễn thông IV - VNPT Lạng Sơn, anh Phạm Quang Hùng cho biết, để phát triển dịch vụ cũng như phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân Thiện Kỵ nói riêng và địa bàn hai huyện Hữu Lũng, Chi Lăng thuộc địa bàn trung tâm quản lý nói chung, Trung tâm đã xây dựng hệ thống cộng tác viên bán hàng. Những cộng tác viên này được lựa chọn là người của địa phương.
Các cộng tác viên “nằm vùng” này vừa thông thuộc nếp sống với bà con làng xã lại là người có uy tín, được sự tin tưởng không chỉ bán hàng, phát triển dịch vụ mà còn thu cước, rồi giúp giải quyết những trục trặc trong quá trình sử dụng. Do đã được tập huấn đầy đủ, nên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về dịch vụ những cộng tác viên nắm rất chắc. Còn với những trục trặc lớn hơn về máy móc, thiết bị, cộng tác viên sẽ có trách nhiệm liên lạc và nhận lại từ người sử dụng rồi đưa về Trung tâm xử lý.
Tuy nhiên, ngoài đội ngũ cộng tác viên nằm vùng này, đội bán hàng của Trung tâm IV cũng đi đến từng địa bàn để tìm hiểu nhu cầu người dân, giới thiệu, phát triển thêm các dịch vụ mới. Ở vùng cao, chợ họp theo phiên. Khi đó người dân tập trung đến rất đông. Nắm bắt đặc điểm này, cứ mỗi phiên chợ xã, đội bán hàng lại lập kiốt di động phục vụ bà con.
“Những lúc như thế, hiệu quả lắm chị ạ. Bà con tập trung đông, chúng tôi giới thiệu được rất nhiều thông tin về các dịch vụ viễn thông mới cho bà con. Rồi thực hiện công tác chăm sóc khách hàng như đổi máy, sửa chữa các hỏng hóc, trả lời những thắc mắc của bà con xung quanh việc sử dụng dịch vụ…” .
“Tới ngày 2/9 này, Thiện Kỵ mới có điện lưới. Có điện, chắc chắn kinh tế, đời sống tinh thần của người dân Thiện Kỵ sẽ có nhiều chuyển biến. Và nhu cầu liên lạc bằng điện thoại cũng sẽ tăng. Nhưng khi ấy, chắc chắn ở Thiện Kỵ sẽ không chỉ có VNPT Lạng Sơn cung cấp dịch vụ mà chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác nữa. Với thị phần đã có, cùng nỗ lực chăm sóc khách hàng, thường xuyên theo sát, tìm hiểu nhu cầu của người dân mà trung tâm triển khai, tin rằng, bà con sẽ vẫn lựa chọn dịch vụ tiện ích của VinaPhone, của VNPT chúng tôi” - Giám đốc Trung tâm Viễn thông IV chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét