“Cuộc chiến” giữa các “ông lớn”


Về các miền quê ở tỉnh Hà Nam hiện nay, sẽ thấy hình ảnh nhiều nông dân đi làm đồng mang theo cái máy điện thoại cố định không dây trong giỏ xe đạp hoặc “vứt” bên bờ ruộng.


“Dùng máy cố định không dây rẻ hơn dùng di động, sóng lại khỏe nên tôi cứ ra đồng là mang theo cái GPhone (tên loại điện thoại cố định không dây của VNPT), có khi đạp xa nhà hơn chục kilômét mà vẫn “kết nối” được với ở nhà” - ông Lê Văn Tề, 60 tuổi ở thôn Tả Hà (Phủ Lý, Hà Nam) kể.
Có lần ông vác GPhone không dây lóc cóc đạp xe khắp làng trên xóm dưới, thi thoảng lại dừng lại làm một cú phôn hỏi tìm con trâu lạc. Những hình ảnh và câu chuyện ngộ nghĩnh tương tự cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều theo tốc độ “phủ máy” GPhone từ ngoại thành Hà Nội tới các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn...
Chương trình “GPhone chung sức giảm nghèo” của VNPT Hà Nội đã tặng hàng chục ngàn máy GPhone miễn phí cho người dân của 33 xã nghèo thuộc 7 huyện nghèo của Hà Nội (Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức). Sở dĩ người dân nồng nhiệt đón nhận GPhone là vì được miễn phí và GPhone cũng có mức cước rất rẻ so với cước di động. Hơn nữa, GPhone sử dụng sóng di động nên bất kỳ địa phương nào có phủ sóng của VinaPhone đều có thể sử dụng được mà không cần kéo cáp.
Có lẽ chưa bao giờ các làng quê lại chứng kiến cuộc đổ bộ của các “ông lớn” viễn thông như hiện nay. Hình ảnh thường thấy là một hộ gia đình mà có tới mấy đầu máy lắp mới. EVN Telecom (dịch vụ E-com) vừa có một chiến dịch tặng máy, khuyến mại ngày dùng xong thì Viettel (dịch vụ HomPhone) cũng đưa máy đến tận nhà cho người dân với các gói cước hấp dẫn. Khi GPhone về làng, người dân đã đổ xô dùng GPhone vì giá cước và thuê bao mới có phần rẻ hơn. Cứ thế, vòng quay liên tục diễn ra ở nhiều địa bàn nông thôn.
Mạng nào có khuyến mãi, miễn phí thì người dân lại đổ xô đi đăng ký sử dụng dịch vụ đó... Tuy nhiên, chính vì sự miễn phí, khuyến mại lớn đối với dịch vụ này, nên cả Viettel, VNPT và EVN Telecom đều không thể “quản lý” được hết những điện thoại cố định không dây của mình ở vùng nông thôn.
Nhiều gia đình cứ dùng hết tiền khuyến mãi, miễn phí là quay sang dùng dịch vụ của mạng khác. Hoặc vứt xó cái điện thoại miễn phí đó mà không hề bận tâm. Đây chính là điều khiến các nhà mạng đang “đau đầu” nhất hiện nay, bởi đó là một sự phát triển ảo, quá lãng phí. Không phải ngẫu nhiên mà cả Viettel và VNPT thời gian qua đều tuyên bố sẽ rà soát lại việc phát triển dịch vụ HomPhone và GPhone của mình.
Cơ hội cho người nghèo, nhưng...
Theo ông Cao Đức Đồng, Giám đốc Viễn thông tỉnh Hà Nam, dù Hà Nam là một tỉnh thuần nông nghèo nhưng trong số 850.000 dân thì hiện đã có tới hơn 100.000 thuê bao cố định. Cũng chỉ mới triển khai chương trình nhưng hiện đã có tới 30.000 hộ dân được lắp GPhone của VNPT chưa kể các hãng khác.
Ông Đồng nhận định, cuộc cạnh tranh giữa GPhone và loại tương tự của Viettel đã đến hồi quyết liệt. “Gần như ở địa bàn nào chúng tôi tới triển khai lắp đặt GPhone thì cũng dễ gặp các loại máy của Viettel có mặt với các điều khoản dịch vụ tương tự”.
Do vậy, để tránh tình trạng người dân được lắp đặt GPhone xong, hết thời gian khuyến mại là lại bỏ máy, VNPT Hà Nam đã phải áp dụng biện pháp khoán quản lý doanh thu tới đội ngũ nhân viên triển khai chứ không đánh giá theo số lượng máy lắp đặt được. Qua theo dõi, nếu thấy các hộ được lắp đặt GPhone mà không phát sinh cước trong tháng thì sẽ dần thu hồi lại máy. Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các nhà mạng đều phải làm hiện nay.
Cuộc đại náo làng quê của điện thoại cố định không dây giữa các “ông lớn” chưa biết ai thiệt hơn ai, nhưng trước hết người dân vùng nông thôn đang được lợi lớn, có cơ hội hiện đại hóa cuộc sống bằng “cái alô” tiện lợi. Nông thôn vẫn đang được xem là thị trường lớn mà các đại gia viễn thông như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều hướng tới. Không chỉ là điện thoại cố định không dây, mà chắc chắn ngay cả dịch vụ điện thoại di động sẽ có còn những “cuộc chiến quyết liệt” giữa các đại gia này ở vùng nông thôn Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét