Bỏ rơi thuê bao trả sau
Người dùng thuê bao điện thoại di động trả sau đang rất bức xúc đòi hỏi các nhà mạng phải đối xử công bằng so với thuê bao trả trước. Thông báo quyền lợi với thuê bao trả sau của MobiFone được dán tại một điểm giao dịch ở TP.HCM. Quyền lợi không hấp dẫn bằng thuê bao trả trước nên khách hàng không quan tâm nhiều - Ảnh: GIA TIẾN
Cuộc chạy đua giành thị phần quyết liệt giữa các mạng di động hiện nay khiến việc phát triển số lượng thuê bao trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Mải lo phát triển thị phần, các mạng lại bỏ quên việc chăm sóc khách hàng đã có của mình. Đặc biệt các thuê bảo trả sau vốn là những khách hàng sử dụng lâu dài, đem lại nguồn thu ổn định cho nhà mạng.
Khách hàng Thiên Thi (TP.HCM) bức xúc kể: “Ngày 11-8, MobiFone nhắn tin thông báo tôi đã sử dụng tiền cước hơn 800.000 đồng và yêu cầu tôi thanh toán trước ngày 13-8. Đến 14-8, nhân viên MobiFone gọi điện cho tôi đòi thu cước phí. Tôi trả lời thời hạn nạp cước hằng tháng của tôi là ngày 20 như trong hợp đồng, vào đúng ngày đó tôi sẽ thanh toán vì hiện giờ tôi đang bận công việc. Đến sáng 15-8, thuê bao của tôi bị khóa chiều đi”. Chị Thi cho biết công việc của chị phải dùng điện thoại liên tục để trao đổi với khách hàng. Việc không thể gọi và nhắn tin ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chị.
“Mặc dù tôi là khách hàng VIP (mỗi tháng xài trên 500.000 đồng) và chưa bao giờ trễ hạn thanh toán cước nhưng vẫn bị họ đối xử quá tệ!”, chị Thi nói.
Việc các mạng thu tiền cước trước thời hạn thanh toán hằng tháng khiến nhiều người dùng rất khó chịu. Chị Ngọc Diệp, nhân viên văn phòng, cho biết chị phải thường xuyên đi đóng tiền cước cho sếp nhưng “bực nhất là có tháng phải đi đóng đến hai lần. Vì khi sử dụng đến một hạn cước lớn, nhà mạng lại khóa chiều đi. Mình phải gấp rút đi đóng tiền. Rồi đến hạn thanh toán hằng tháng lại phải đi đóng lần nữa, rất phiền phức”.
Trường hợp khách hàng Hồng Thành, thuê bao trả sau của mạng VinaPhone, bị khóa cả hai chiều chỉ vì đóng tiền trễ mặc dù đã là khách hàng lâu năm.
Anh Thành kể lại: “Vừa rồi tôi phải đi công tác ra Hà Nội đúng vào thời hạn thanh toán cước hằng tháng nên không biết phải đóng tiền ở đâu, thế là bị nhà mạng cho ò í e ngay lúc đang rất cần để liên lạc làm việc. Tôi rất bực mình việc thanh toán trễ mà bị khóa luôn cả hai chiều, họ có thể khóa một chiều là được rồi. Khóa hai chiều khác gì đuổi khách hàng. Biết vậy tôi dùng trả trước khỏe hơn nhiều, dù hết tiền vẫn còn thời hạn để nghe chứ không bị khóa câm như thế này”.
Một khách hàng phân tích: “Nhà mạng giải thích phải thu cước sớm vì sợ người sử dụng không thanh toán. Nhưng thực tế, khi làm hợp đồng trả sau, người dùng đều phải có những giấy tờ cần thiết như giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, địa chỉ thanh toán... mới đăng ký được. Các yêu cầu ràng buộc hợp đồng đều do nhà mạng soạn ra, đương nhiên họ phải biết cách làm sao để cước thu không bị thất thoát”.
Một chuyên gia về mạng viễn thông tiết lộ: “Ở hầu hết các mạng, số lượng thuê bao trả trước chiếm hơn 90% tổng thuê bao di động, đây là nguồn lực chính trong việc phát triển thị phần của các mạng. Kèm theo đó, đương nhiên nhà mạng phải có những chính sách ưu tiên để đẩy mạnh việc phát triển thuê bao trả trước”. Có lẽ vì vậy mà người sử dụng liên tục thấy những cuộc đua khuyến mãi tặng tiền khi nạp vào tài khoản của các mạng di động chủ yếu chỉ dành cho thuê bao trả trước.
Anh Ngọc Khoa, một khách hàng thân thiết của Viettel, chia sẻ: “Tôi thấy chạnh lòng khi so sánh với thuê bao trả trước. Các mạng đua nhau khuyến mãi rầm rộ cho thuê bao trả trước mà chẳng thấy gì cho thuê bao trả sau cả. Nếu có nhiều lắm cũng mới chỉ được một vài lần với số tiền khuyến mãi chưa đến 100.000 đồng”. Khách hàng Đình Toản cũng thắc mắc: “Tôi dùng trả sau của MobiFone, xài khá nhiều mà sao khuyến mãi rất ít. Như chương trình cộng điểm thưởng nghe có vẻ rất lớn nhưng tính trung bình nếu tháng xài 500.000 đồng được tặng 5 điểm tích lũy. Đủ 50 điểm mới được chuyển thành tiền khuyến mãi là 300.000 đồng (1 điểm = 6.000 đồng). Người dùng phải xài bao lâu mới tích lũy được 50 điểm?”.
Trước tình trạng các nhà mạng đua khuyến mãi cho các thuê bao trả trước hiện nay, nhiều thuê bao trả sau đã tính đến chuyện rời bỏ vai trò “khách hàng trung thành”. Chị Kim Chi là thuê bao trả sau của Viettel đã được ba năm nhưng “không hề được nhà mạng chăm sóc, suốt cả năm chỉ được một, hai chương trình khuyến mãi mà chỉ được mười mấy ngàn đồng. Tôi sẽ chuyển sang trả trước vì đang có rất nhiều khuyến mãi”.
(Theo Tuổi trẻ online)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét