Thị trường CNTT: Ở khó, đi còn khó hơn!


Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng thị trường di động chứng kiến sự ra đời của mạng di động thứ 8 – mạng Indochina của Công ty Đông Dương Telecom vào ngày 19/8 vừa qua. Và có lẽ thị trường cũng sẽ phải chứng kiến sự ra đi của “người hùng” CDMA đầu tiên.


Sau khi SK Telecom công bố thông tin sẽ không tiếp tục đầu tư vào mạng di động S-Fone tại Việt Nam (dịch vụ hợp tác kinh doanh giữa SK Telecom và Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT)), thị trường đang chờ đợi động thái của một nhà mạng vốn đã được kỳ vọng khá nhiều khi xuất hiện.
Đi trước về sau
Cách đây 6 năm, mạng di động S-Fone ra đời với rất nhiều hứa hẹn sẽ mang lại cho người dùng những dịch vụ và tiện ích hấp dẫn trên nền công nghệ CDMA, đồng thời phá vỡ thế độc tôn của 2 nhà mạng khi ấy là Vinaphone và MobiFone. Xét về thâm niên, S-Fone còn ra đời trước Viettel đến 2 năm. Thế nhưng, mặc dù có được cả thiên thời (ra đời vào thời điểm thị trường còn rất “rộng rãi” và mới chỉ là mạng di động thứ 3 trên thị trường) và địa lợi (lợi thế về công nghệ CDMA so với GSM khi ấy) thế nhưng chiến lược kinh doanh không hợp lý đã khiến S-Fone bị tụt lại khá xa so với các mạng khác.
Ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc trung tâm S-Telecom cho biết, tính đến thời điểm này, S-fone có gần 7,3 triệu thuê bao kích hoạt, trong đó số thuê bao hoạt động trên mạng xấp xỉ 4 triệu, số thuê bao sử dụng thường xuyên hàng tháng khoảng 1,5 triệu. Một con số đã vượt xa so với mục tiêu chiến lược mà hai đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) và SPT đặt ra là một triệu thuê bao vào năm 2016. Thế nhưng, chính ông Sơn cũng thừa nhận số thuê bao này “so với tình hình phát triển thực tế thị trường di động Việt Nam còn rất khiêm tốn”. Sự khiêm tốn này có thể bắt nguồn từ chính mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa SK Telecom và SPT.
7,3 triệu thuê bao cùng giá trị thương hiệu là điều mà S-Fone phải đánh đổi nếu từ bỏ CDMA
Ra đời trong thời điểm quy định của ngành viễn thông không cho thành lập liên doanh nên những điều khoản pháp lý của mô hình BCC không còn phù hợp để S-Fone phát triển. Theo mô hình này, S-Fone chỉ là một trung tâm trực thuộc SPT không có quyền quyết định bất kỳ một hoạt động nào mang tầm chiến lược phát triển. Đặc biệt, mô hình BCC không được phép vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, mặc dù đã rót vào S-Fone gần 200 triệu USD, nhưng do ràng buộc của các điều khoản của BBC nên mọi quyết định có tính chất pháp lý như việc sử dụng con dấu, quyết sách cuối cùng… lại nằm trong tay SPT. Chính vì thế, việc SK Telecom không còn mặn mà với việc tiếp tục rót vốn đầu tư để phát triển mạng S-Fone là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này lý giải cho việc vùng phủ sóng của S-Fone vẫn rất hẹp. Và chính vì thế, ngoài hạn chế về việc sự lựa chọn của người dùng bị hạn chế do máy điện thoại CDMA chỉ sử dụng được cho 1 mạng (máy điện thoại GSM có thể sử dụng được rất nhiều mạng) thì S-Fone còn tự nói lời chia tay với những người thường xuyên phải di chuyển.
Sẽ có một Vietnamobile thứ 2?
Cũng sử dụng công nghệ CDMA như S-Fone, nhưng có vẻ như HTMobile đã nhanh chóng nhận ra những điểm yếu của mình trong cuộc cạnh tranh với các mạng GSM khác nên đã mạnh dạn làm cuộc “thay máu” từ CDMA sang GSM. Tất nhiên, sự thay đổi này cũng đã khiến thương hiệu của HTMobile chịu ảnh hưởng khá nặng nề khi chịu tiếng “đem con bỏ chợ” đối với các thuê bao của mình. Phải chăng vì lý do này nên sau khi chuyển đổi, mạng này đã phải chọn 1 cái tên khác là Vietnamobile thay cho HTmobile?
Cho tới thời điểm này, đã có khá nhiều người đặt ra tình huống S-Fone sẽ học theo HTMobile để chuyển qua công nghệ GSM. Tuy nhiên, điều này là rất khó xảy ra. Bởi dù là “mạng nhỏ” nhưng hoàn cảnh của S-Fone và HTMobile lại rất khác nhau. Việc HTMobile chấp nhận bỏ hơn 100.000 thuê bao sau hơn 1 năm ra đời là cái giá khá đắt, nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng trong trường hợp của S-Fone, sau 6 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu S-Fone cũng đã phần nào được khẳng định và rất khó có thể tính toán được những thiệt hại nếu phải từ bỏ thương hiệu này để xây dựng một thương hiệu mới như kiểu HTMobile-Vietnamobile. Hơn nữa, nếu chuyển sang GSM cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ 7 triệu thuê bao trung thành đồng thời đánh mất uy tín của mình - tài sản vô giá với một doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc S-Fone không được cấp phép 3G cũng chính là điểm cần tính đến nếu chuyển sang GSM. Có thể nói, với các doanh nghiệp viễn thông (nhất là sử dụng công nghệ GSM) thì giấy phép 3G cũng gần như một giấy thông hành cho tương lai. Chính vì thế, việc S-Fone (chính xác là SPT) không được cấp phép 3G có thể là một thất bại trong cuộc đua, nhưng chính lý do này khiến nhà mạng này sẽ phải quyết tâm tiếp tục duy trì công nghệ CDMA. Nói như vậy vì mặc dù không được cấp phép 3G, nhưng trên thực tế, dịch vụ 3G được các nhà cung cấp dịch vụ CDMA cung cấp trên nền tảng công nghệ CDMA 2000 1x EV - DO. Với công nghệ này, các mạng di động này đã cung cấp cho khách hàng một số dịch vụ 3G như: Mobile Internet, xem phim, nghe nhạc theo yêu cầu… Như vậy, đối với việc cung cấp dịch vụ 3G thì các mạng CDMA đã đi trước các mạng GSM một bước. Và, cho dù không được “hoành tráng” bằng cái mác 3G, nhưng nếu S-Fone giải quyết được những vướng mắc trong hợp tác kinh doanh, và nếu được tiếp máu bằng những khoản đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật cũng như các thiết bị đầu cuối, chắc chắn các thuê bao của S-Fone cũng sẽ được hưởng những dịch vụ tiện ích trên nền 3G như các thuê bao khác.
Vấn đề bây giờ đối với S-Fone chỉ là, liệu mạng này sẽ giải quyết xong những vướng mắc với SK Telecom để phát triển hay chia tay đối tác để đón nhận một nhà đầu tư khác?
Thang Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét