Thị trường di động: Khuyến mại đang bị thả nổi


KTĐT - Các chương trình khuyến mại này lại được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng “sim rác”, thuê bao ảo... tràn lan.

Hiện nay có rất nhiều chương trình khuyến mại của các hãng di động để khách hàng thoải mái lựa chọn. Ảnh: C.H

Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực để quản lý thuê bao trả trước thì dường như lại quá “lỏng tay” trong việc kiểm soát các chương trình khuyến mại di động của các doanh nghiệp viễn thông.
Các chương trình khuyến mại này lại được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng “sim rác”, thuê bao ảo... tràn lan.
Cứ “khóc” là được... “bú”?
Theo quy định, các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế (từ 30% trở lên) khi tăng, giảm giá cước phải được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng độc quyền, nâng giá cước quá cao của các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Đó là cách bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đồng thời nhằm tránh việc các “đại gia” cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép doanh nghiệp mới gia nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các “đại gia” tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mại rầm rộ hướng vào các thuê bao trả trước, thuê bao mới, thì vô hình trung, giá cước bị đẩy xuống thấp. Trong khi Viettel làm lại chương trình “đại khuyến mại” tặng 151% giá trị thẻ nạp tiền cho tất cả các thuê bao trả trước, chỉ áp dụng cho gọi nội mạng, thì MobiFone, VinaPhone cũng tung ra chương trình tặng 100% giá trị thẻ nạp cho gọi cả nội mạng và ngoại mạng. Thực tế, với các các chương trình giảm giá khuyến mại này, các “đại gia” đã giảm hơn 50% cước cho tất cả các thuê bao trả trước. Như vậy, dễ hiểu khi người ta đặt ra câu hỏi, phải chăng các “đại gia” đang mượn các chương trình khuyến mại để “lách luật” giảm giá cước?
Điều đáng nói là trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực siết chặt quản lý thuê bao trả trước thì dường như lại “lỏng tay” với các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp thông tin di động. Mà chính những chương trình khuyến mại này được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng “sim ma, sim rác” tràn lan, làm gia tăng thêm gánh nặng cho việc quản lý thuê bao trả trước. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải lùi thời hạn cắt các thuê bao trả trước vượt quá hạn mức cho phép đến ngày 31/12, vì các “đại gia” di động đồng loạt “kêu khó” thực hiện rà soát. Vừa kêu khó vừa làm khuyến mại kiểu này, không hiểu điều gì đang diễn ra với các “đại gia” di động? Không lẽ họ cứ “khóc” là được cho “bú”?
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, thực tế, Quyết định 39/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông tại Điều 7, Khoản 3 đã có quy định cấm các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông lợi dụng các hình thức quảng cáo, khuyến mại để bán dịch vụ dưới giá thành. Tức là, các chương trình khuyến mại đã sớm nằm trong quy định quản lý, nhưng dường như hiện nay quy định này đang không được quan tâm đúng mức. Đến nay vẫn chưa có một điều tra hay báo cáo chính thức nào được công bố về các chương trình khuyến mại của các hãng di động.
Đa số khách hàng không được hưởng lợi
Khi Beeline ra đời, thương hiệu di động này có một chiến lược rõ ràng hướng tới khách hàng tiềm năng mới, đó là giới trẻ, sinh viên. Đây là nhóm khách hàng được cho là sẽ mang lại một thị phần không nhỏ cho Beeline trong vài ba năm tới. Ngay khi hòa mạng, Beeline đã tỏ rõ định hướng của mình bằng chương trình tặng sim miễn phí cho sinh viên. Có thể các “đại gia” đã sớm lo lắng cho cho vị thế độc quyền về thị phần của mình trong một tương lai không xa. Viettel là mạng di động đi tiên phong trong việc thực hiện các chương trình ưu đãi nhằm vào sinh viên, giới trẻ. Mới đây, MobiFone cũng công bố một chương trình lớn dành cho sinh viên với việc tặng hàng trăm nghìn sim di động miễn phí cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Bằng các chương trình “đại khuyến mại” này, các “đại gia” với lợi thế sẵn có về thị phần và tài chính tích lũy của mình đang tạo ra một sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Đây là một cuộc chiến giành giật thị phần khi các chương trình khuyến mại đều hướng vào nhóm khách hàng mới, khách hàng hay thay đổi. Trong khi các thuê bao trả trước, thuê bao mới được nhận rất nhiều ưu đãi, thì các thuê bao trả sau của cả 3 mạng di động lớn trên gần như chưa bao giờ nhận được một chương trình khuyến mại giảm cước tương tự. Nhiều thuê bao trả sau đã tự tìm công bằng cho mình bằng cách chuyển sang dịch vụ trả trước hoặc dùng thêm một “sim rác”. Tuy nhiên, theo khảo sát ý kiến trên các diễn đàn di động, số này không nhiều.
Cuối cùng, những chương trình khuyến mại rầm rộ, ngoài tác dụng quảng bá hình ảnh cho các công ty, cũng chỉ một nhóm nhỏ khách hàng, chủ yếu là những người mới gia nhập thị trường được hưởng lợi. Còn phần lớn những khách hàng ổn định, những thuê bao trả sau, lại hầu như không được hưởng lợi gì từ những chương trình này. Thậm chí, họ còn phải chịu hậu quả của sự quá tải mạng, của những rắc rối đến từ những chiếc “sim ma, sim rác”.
Khuyến mại không phải là cách hay để chiếm thị phần
Trên thế giới các hãng viễn thông di động đều xác định rất rõ ràng những thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần. Thứ nhất là chất lượng mạng, sóng có tốt không, vùng phủ sóng có rộng khắp hay không? Thứ hai là chăm sóc khách hàng có tốt không, dịch vụ hỗ trợ có tốt không? Thứ ba mới là đến các chương trình khuyến mại, hậu mãi mà ở Việt Nam hiện nay nhiều công ty đang sử dụng như một công cụ để chiếm lĩnh thị phần. Sở dĩ có việc này do nước ta có một đặc thù riêng, ở đa số các nước trên thế giới người ta có chính sách cho phép người dùng có thể giữ nguyên số và đổi mạng sử dụng, như ở Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đã áp dụng cách này. Nhưng Việt Nam hiện nay, người dùng muốn đổi mạng phải đổi số mà đây là việc cực kỳ bất tiện. Có thể các nhà mạng nắm được tâm lý ngại đổi số này mà bỏ mặc những khách hàng trả sau, những khách hàng lâu năm. Còn về việc giữ số đổi mạng, tôi khẳng định, chúng ta đủ khả năng làm việc này. Trước đây chúng tôi đã đề nghị với Tổng cục Bưu chính - Viễn thông cho thực hiện chính sách này nhưng đến nay không hiểu sao vẫn chưa thực hiện.
TS Phạm Công Hùng, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Biết đâu các hãng di động khuyến khích đổi từ trả sau sang trả trước?
Với các chương trình khuyến mại này tôi nghĩ rằng các công ty có thể thực hiện được 2 mục tiêu: Thứ nhất giành được các khách hàng mục tiêu; Thứ hai, giữ những khách hàng đang có để chuẩn bị cho việc tung ra sản phẩm mới chẳng hạn như là 3G. Tôi cho rằng các chương trình khuyến mại này nằm trong chiến lược kinh doanh của các công ty. Vì thế cũng khó đánh giá việc họ có bỏ thuê bao trả sau hay không. Biết đâu đấy, có thể là các công ty sử dụng hình thức khuyến mại này để khuyến khích phát triển thuê bao trả trước. Khi những người dùng thuê bao trả sau thấy thiệt thòi thì họ có thể đổi sang thuê bao trả trước.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội
Theo Giadinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét